Cư dân Ấn Độ: 'Chúng tôi có cảm giác như đang làm việc trong lò lửa'

Nắng nóng buộc người lao động Ấn Độ phải làm đêm, khiến đồng ruộng khô cạn và lưới điện quá tải, báo hiệu tình trạng thời tiết khắc nghiệt hơn trong tương lai.

 Sandeep, công nhân xây dựng ở Ấn Độ, là một trong nhiều lao động buộc phải thay đổi lịch làm việc do nắng nóng. Ảnh: Minaam Shah.

Sandeep, công nhân xây dựng ở Ấn Độ, là một trong nhiều lao động buộc phải thay đổi lịch làm việc do nắng nóng. Ảnh: Minaam Shah.

Ngày làm việc của Sandeep bắt đầu trong bóng tối. Vào lúc 3h30, anh đến công trường xây dựng ở ngoại ô thủ đô New Delhi, nơi ánh đèn pha chiếu sáng khung bê tông của một tòa nhà cao tầng.

Sandeep bắt đầu trộn vữa xây cùng hàng chục công nhân khác. Đến 11h, trời nóng đến mức họ không chịu nổi.

"Khi Mặt Trời bắt đầu ló dạng trên đầu, chúng tôi có cảm giác như đang làm việc trong lò lửa", anh vừa nói vừa lau mồ hôi trên trán. "Sau đó, chúng tôi không thể làm việc tiếp cho đến tối muộn".

Ấn Độ đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt trong năm nay, vào tháng 4, tháng 5 và cuối tháng 6 - thời điểm mùa gió mùa mát mẻ hơn vốn thường bắt đầu, theo Nikkei Asia.

Trong những tuần gần đây, gần 200 người được cho là đã chết vì các bệnh liên quan đến nắng nóng ở các bang phía bắc Ấn Độ như Uttar Pradesh và Bihar.

Tình trạng này xảy ra khi phần lớn khu vực Nam và Đông Nam Á vật lộn với tác động của hiện tượng thời tiết El Nino và biến đổi khí hậu. Và những tác động này đang làm thay đổi cuộc sống theo nhiều cách.

"Không làm thì lấy gì ăn?"

Hàng triệu lao động như Sandeep vẫn phải tiếp tục làm việc cực nhọc bất kể nhiệt độ khắc nghiệt.

"Chúng tôi không có sự lựa chọn. Không làm việc thì lấy gì ăn?", anh nói.

Tuy nhiên, để tránh cái nóng tồi tệ nhất, một số lao động và người sử dụng lao động đang chuyển sang ca đêm, song sự điều chỉnh này cũng kèm theo cái giá đắt.

"Con tôi đang tuổi đi học nhưng vì lịch làm việc mới, chúng tôi không thể chăm sóc chúng vào buổi sáng", Jyoti - vợ của Sandeep, người làm việc tại cùng công trường - cho biết.

"Hơn nữa, tôi luôn sợ phải để con một mình trong đêm tối, nhất là khi có quá nhiều tội ác vây quanh", cô nói thêm.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết nước này đang cảm nhận được tác động của El Nino, với các đợt nắng nóng kéo dài và mưa muộn. Dù thời tiết sẽ thay đổi, điều kiện khắc nghiệt gần đây có thể là điềm báo cho những điều tồi tệ trong tương lai.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại CSIRO, cơ quan khoa học của chính phủ Australia, phát hiện tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã khiến El Nino và La Nina diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

 Những chiếc quạt không thể hoạt động do mất điện trong một trại tị nạn ở Ấn Độ. Ảnh: Minaam Shah.

Những chiếc quạt không thể hoạt động do mất điện trong một trại tị nạn ở Ấn Độ. Ảnh: Minaam Shah.

Thời tiết khắc nghiệt cũng đang ảnh hưởng đến nông nghiệp. Nhiều vùng nông thôn Ấn Độ trở nên khô hạn bất thường, với một số khu vực phải hứng chịu tình trạng hạn hán.

Nhiều nông dân cũng chật vật vì vụ mất mùa thứ hai liên tiếp do nắng nóng, được dự đoán sẽ khiến sản lượng thu hoạch lúa giảm đáng kể.

"Các đợt nắng nóng liên tiếp và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu khiến cả nhiệt độ ban đêm và ban ngày đều tăng. Để quang hợp, thực vật cần nhiệt độ ban đêm thấp hơn, song các đợt nắng nóng đang khiến quá trình này thêm khó khăn", ông Ramit Debnath, trợ lý giáo sư nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cambridge, lý giải.

"Đặc biệt đối với việc trồng lúa, sự chênh lệch nhiệt độ ban đêm rất quan trọng. Nhiệt độ ban đêm cứ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa có thể giảm tới 10%", ông nói thêm.

Điềm báo

Gần thị trấn Katihar, bang Bihar (Ấn Độ), ông Mukesh Kumar đang phun nước lên những cánh đồng khô cằn nứt nẻ của mình. Ông tuyệt vọng chia sẻ vụ mất mùa năm nay có thể sẽ khiến ông mất nhà cửa.

“Năm ngoái, chúng tôi cũng gặp hạn hán. Nếu lần này mất mùa chắc tôi phải bán nhà lấy tiền trả nợ”, ông nói.

Những tác động tiêu cực do thời tiết khắc nghiệt ngày càng lan xa và rộng. Ở Kashmir, cư dân phải đối mặt với việc cắt điện thường xuyên do nhu cầu tăng cao khiến lưới điện quá tải.

Tại thủ phủ Srinagar, các chủ nhà máy cũng phàn nàn rằng việc cắt điện liên tục đang gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh.

“Ở Kashmir, chúng tôi thường chỉ được cung cấp điện liên tục trong những tháng mùa hè, nhưng điều đó thậm chí đang bị gián đoạn. Toàn bộ kho táo của tôi đang thối rữa vì không có điện chạy máy móc", ông Ahsan, chủ một nhà máy nước ép táo, phàn nàn.

 Nắng nóng khiến lưới điện ở Ấn Độ quá tải. Ảnh: Reuters.

Nắng nóng khiến lưới điện ở Ấn Độ quá tải. Ảnh: Reuters.

Cách nhà máy của ông Ahsan không xa, tình trạng mất điện đang "bóp nghẹt" cuộc sống của hàng trăm người tị nạn trong một khu trại tạm bợ, trong đó có Siraj - đến từ Myanmar.

Bị nhồi nhét trong chiếc lều bạt cùng với gia đình 5 người, Siraj cảm giác như đang ở trong một cái lò nướng.

"Tôi đã bán điện thoại di động để mua một chiếc máy lạnh vào tháng trước, nhưng nó không có nguồn điện để hoạt động", Siraj nói, tay cầm cuốn vở quạt cho đứa con 4 tháng tuổi.

Trong khi đó, các đợt nắng nóng có khả năng cản trở mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng của Ấn Độ, bao gồm cam kết giảm 45% cường độ phát thải trên tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra một nửa năng lượng từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030.

S&P Global Commodity Insights lưu ý việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở Ấn Độ, bao gồm cả than và khí đốt, có thể sẽ tăng trong mùa hè này do các đợt nắng nóng làm tăng nhu cầu điện. Chính phủ Ấn Độ cũng đã gia hạn cho các nhà máy chạy bằng than nhập khẩu hoạt động hết công suất đến tháng 9.

Song những người dân lao động Ấn Độ có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn. Sandeep lo lắng việc làm đêm có thể sẽ không còn là giải pháp tạm thời.

"Chúng ta có thể phải điều chỉnh hoàn toàn lối sống của mình để thích nghi với (nhiệt độ) ngày càng tăng", anh nói sau khi hoàn thành công việc vào khoảng 11h.

"Hôm nay là những người lao động như chúng tôi. Và ngày mai sẽ là mọi người", Sandeep cảnh báo.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cu-dan-an-do-chung-toi-co-cam-giac-nhu-dang-lam-viec-trong-lo-lua-post1444370.html