Cư dân California giữa bão lửa: 'Cảm giác như ngày tận thế'

Giữa lúc các đám cháy vẫn đang hoành hành, một số cư dân Los Angeles mở lòng chia sẻ về câu chuyện đi sơ tán, tổ ấm bị lửa thiêu rụi và sống trong cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Ít nhất 11 người thiệt mạng, hàng nghìn công trình bị thiêu rụi và gần 180.000 người sơ tán do các đám cháy bùng phát ở Los Angeles, bang California, Mỹ.

Đám cháy tại Pacific Palisades lớn nhất, bao trùm khoảng hơn 8.000 ha, sau đó tới đám cháy tại Eaton với hơn 5.600 ha. Giới chức cho biết đã khống chế được 37% đám cháy tại Hurst và 75% đám cháy tại Acton tính tới sáng 10/1 (giờ địa phương)

Người dân Los Angeles đã kể lại với Guardian về trải nghiệm thoát chết trong gang tấc, đi sơ tán và ô nhiễm không khí trên khắp thành phố.

Marcus Beer, 54 tuổi, cố vấn trò chơi điện tử, Altadena

"Tôi cùng vợ Shawna đã theo dõi thời tiết trong một thời gian và biết gió sắp thổi mạnh. Sau khi thấy đám cháy tại Pacific Palisades bùng phát, tôi thầm nghĩ: “Tội nghiệp quá! Hy vọng tại đây không xảy ra chuyện gì”.

Khu vực này không có mưa trong suốt 10 tháng. Trời khô ráo, Nam California như hộp quẹt. Tối 7/1, khói bốc lên. Khi đang chất đồ vào xe, tôi nhìn vào ngọn núi phía xa, bình thường chỉ là màu đen kịt, nay như ngọn tháp lửa màu cam sáng chói. Khoảng 20h30, chúng tôi chủ động rời đi thay vì đợi cảnh báo sơ tán. Chúng tôi đến nhà một người bạn ở Long Beach.

Chúng tôi vẫn nắm tình hình tại khu nhà thông qua một nhóm trò chuyện trực tuyến. Ngay đêm đó, đám cháy lan rộng đến khu phố chúng tôi. Vào khoảng 3h sáng 8/1, một người hàng xóm đang tìm cách dập lửa thông báo anh sẽ rời đi: “Shawna à, không xong rồi. Ngày mai cả khu nhà sẽ biến mất”.

Ngày 9/1, một người gửi cho chúng tôi một bức ảnh. Thứ duy nhất còn nguyên vẹn là ống khói. Tôi đang bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4. Tôi không được phép căng thẳng và hít phải khói khiến ngực tôi đau.

Thật quá đau đớn, ngôi nhà này giống một đứa con của vợ chồng tôi. Chúng tôi lấp đầy nó bằng tình yêu thương, đó là những gì chúng tôi mong muốn. Tôi thậm chí còn lên kế hoạch ra đi trong căn nhà của mình. Tôi không muốn đến bệnh viện hay viện dưỡng lão, tôi chỉ muốn chết trong ngôi nhà tôi đã chung sống với vợ mình. Giờ tất cả đã biến mất.

 Trộm cắp và ô nhiễm không khí là hai vấn đề nghiêm trọng khác giữa lúc hỏa hoạn hoành hành ở Los Angeles. Ảnh: Reuters.

Trộm cắp và ô nhiễm không khí là hai vấn đề nghiêm trọng khác giữa lúc hỏa hoạn hoành hành ở Los Angeles. Ảnh: Reuters.

Tệ hơn cả, khu phố tôi cũng đã không còn. Chúng tôi từng gặp hàng xóm mỗi ngày, và giờ chúng tôi đã bị gió thổi bay đi. Altadena đã chết vào sáng 8/1 và sẽ không bao giờ quay trở lại".

Matt Sadie, 41 tuổi, quản lý nghệ sĩ, Altadena

"Tôi cùng vợ Sophie, cô con gái 8 tuần tuổi và một con mèo sống cách xa hẻm núi Eaton ở Altadena, một trong những nơi đám cháy bắt đầu. Chúng tôi đi dạo xuống hẻm núi đó vào mỗi buổi sáng. Đó là một nơi tuyệt đẹp.

Ngày 7/1, chúng tôi lái xe về nhà và thấy một luồng sáng vàng cam rực hướng về phía hẻm núi. Có khói và gió mạnh.

Chúng tôi vội vã về nhà. Tôi chạy sang hàng xóm để cảnh báo anh. Anh ấy đáp: “Chúng ta cần phải nhanh chóng rời khỏi đây”. Tôi cùng vợ bắt đầu chuẩn bị sơ tán. Lúc đó đã mất điện. Dùng đèn pin, tôi lục tìm hộ chiếu, tiền mặt, tài liệu, đồ dùng cho em bé. Chúng tôi sắp xếp mọi thứ chỉ trong vòng 5 phút.

Chúng tôi lái xe đến nhà họ hàng ở Santa Barbara. Đường cao tốc rất hỗn loạn, đầy cây cối và mảnh vỡ. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần nếu tổ ấm của mình không còn.

Thật kỳ diệu, dù hầu hết căn nhà trong cùng phố đã bị thiêu rụi, trong video do một hàng xóm gửi, ngôi nhà chúng tôi vẫn đứng vững, chỉ bị hư hỏng một vài khu vực xung quanh như hàng rào. Cứ như thể ngọn lửa bị chặn đứng ngay trước khi bén vào nhà tôi. Một người hàng xóm ở lại khu phố trong suốt vụ cháy đã bảo vệ nhà của chúng tôi và cứu tất cả nhà bên cạnh nữa.

Chúng tôi vừa may vừa rủi. Chúng tôi chuyển đến khu vực này để cho con gái có một cuộc sống tốt hơn. Hiện tại, trường học và khu phố gần như biến mất hoàn toàn.

Chúng tôi không thể trở về nhà. Lực lượng vệ binh quốc gia đã chặn các con phố. Người hàng xóm trên vẫn ở lại tuần tra để xem còn nơi nào có cháy hay có kẻ trộm hay không. Anh đã bắt được 2 kẻ trộm. Anh ấy là một người hùng".

Denise, 52 tuổi, quản lý chương trình trong ngành công nghệ, West Adams

"Tôi nghĩ tôi có thể nói thay điều này cho rất nhiều người dân Los Angeles: Mặc dù khu vực tôi sống không nằm trên đường đi của đám cháy, đây là trận hỏa hoạn có tác động lớn nhất tôi từng trải qua. Tôi đã sống ở đây khoảng 27 năm và trải qua đủ loại thiên tại. Trong ký ức, tôi không nhớ có thảm họa nào mà nhiều người tôi biết bị ảnh hưởng trực tiếp tới thế này.

Có lẽ hàng chục người bạn, đồng nghiệp và hàng xóm của tôi đã phải sơ tán. Có ít nhất một người đã mất nhà cửa, trong khi nhà của một số người khác đang bị đe dọa.

Tôi xem hướng gió thổi thông qua Watch Duty - một ứng dụng chia sẻ thông tin cập nhật theo thời gian thực về cháy rừng. Hôm 10/1, đám cháy gần tôi nhất là ở Sunset, cách khoảng 8km và hiện đã được khống chế. Tôi không nhìn thấy cháy nhưng thấy khói bốc lên từ phía nam.

Chất lượng không khí trong thành phố tệ đến mức khủng khiếp. Tôi đang hồi phục hậu Covid-19 và đeo khẩu trang trong nhà vì khói làm cổ họng tôi khó chịu. Tôi cũng đau đầu dai dẳng suốt cả ngày.

Hầu hết Los Angeles đều nằm trong cảnh báo đỏ, nghĩa là khu vực này khô và khả năng cao xảy ra hỏa hoạn. Tôi thực sự lo lắng khi nghĩ mọi thứ bao quanh mình đều dễ cháy, như một hộp quẹt vậy".

Silvia Fernandez, 59 tuổi, nhà thầu chính phủ liên bang, Hancock Park

"Hoài nghi, kinh ngạc và kinh hoàng. Đó là cảm xúc của tôi khi thấy những đám khói lớn đầu tiên xuất hiện ở phía tây (Palisades) và sau đó là phía đông (Eaton và Altadena). Khi đám cháy ở Sunset (phía bắc) bùng phát vào đêm 8/1, tôi cảm giác bị bao quanh bởi lửa và khói.

 Ít nhất 11 người thiệt mạng, hàng nghìn công trình bị thiêu rụi và gần 180.000 người sơ tán do các đám cháy bùng phát ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Ít nhất 11 người thiệt mạng, hàng nghìn công trình bị thiêu rụi và gần 180.000 người sơ tán do các đám cháy bùng phát ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters.

May mắn thay, đám cháy Sunset bùng phát vào một ngày khi gió đã lặng và có thể dập lửa từ trên không, nhưng không khí rất ngột ngạt.

Cảm giác như ngày tận thế vậy. Tôi biết cụm từ này hơi quá, nhưng đó là những gì hiện lên trong tâm trí tôi. Ít ra tôi vẫn may mắn khi ở một nơi an toàn".

Lila Victor, 22 tuổi, nhà báo tự do, Venice

"Tôi sống ở Venice, khá gần Santa Monica. Nơi này chưa có cháy hay lệnh cảnh báo sơ tán, nhưng tôi vẫn như ngồi trên đống lửa bởi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi sinh ra và lớn lên ở Los Angeles, vì vậy thực sự rất đau buồn khi chứng kiến quê hương mình bị tàn phá.

Tôi đang viết bài cho một trang tin tức địa phương tên Westside Current. Nhiều người đang chia sẻ thông tin về những địa điểm cung cấp bữa ăn miễn phí cho đội cứu hộ và người di tản, hoặc mở cửa để hỗ trợ cộng đồng với các tiện ích như nơi trú ẩn, WiFi, nhà vệ sinh,... Tôi nhận ra mình có thể cập nhật danh sách thường xuyên để những người cần có thể tìm đến. Tôi cảm thấy ấm lòng khi mọi người đang đoàn kết với nhau.

Tôi khó ngủ ngon vào lúc này. Mọi chuyện rất căng thẳng. Tôi thấy một người bạn thời thơ ấu chia sẻ trên mạng xã hội rằng nhà họ ở Palisades - nơi tôi có rất nhiều kỷ niệm khi còn nhỏ - đã bị cháy. Và hàng trăm nghìn người đang phải di dời.

Những gì đang diễn ra quả là lời cảnh tỉnh cho công tác phòng ngừa ứng phó với thảm họa. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cho điều tiếp theo sẽ xảy ra".

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/cu-dan-california-giua-bao-lua-cam-giac-nhu-ngay-tan-the-post1524217.html