Cư dân Yellowstone vật lộn tàn dư từ trận lũ lụt lịch sử
Hầu hết Công viên Quốc gia Yellowstone sẽ mở cửa trở lại trong vòng 2 tuần tới - nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu sau khi trận lũ lụt kỷ lục tấn công khu vực vào tuần trước và đánh sập các con đường chính.
Phía trong Công viên Yellowstone
Giám đốc Công viên Quốc gia Yellowstone, ông Cam Sholly cho biết, công viên nổi tiếng thế giới này sẽ có thể chứa ít du khách hơn trong thời gian tới, đồng thời sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục các kết nối đường bộ với một số cộng đồng phía Nam Montana.
Các quan chức của công viên cho biết hôm 19/6, họ sẽ sử dụng 50 triệu USD tiền liên bang cao tốc để đẩy nhanh việc sửa chữa cầu đường. Vẫn chưa có thời gian biểu cho việc sửa chữa các tuyến đường giữa công viên và các khu vực của Montana, nơi việc khôi phục dự kiến sẽ kéo dài trong suốt nhiều tháng.
Yellowstone sẽ mở cửa trở lại một phần vào lúc 8h sáng ngày 22/6, hơn một tuần sau khi hơn 10.000 du khách buộc phải sơ tán khỏi công viên khi Yellowstone bị các con sông khác tràn qua bờ gây ngập lụt, sau khi mực nước tăng cao đột ngột do tuyết tan và lượng mưa không ngừng.
Ban đầu, chỉ một vài nơi của công viên có thể đi vào được dọc theo “đường vòng phía Nam” và chỉ dành cho những người đi bộ đường dài trong ngày.
Trong vòng hai tuần, các quan chức có kế hoạch mở đường vòng phía Bắc, sau khi tuyên bố trước đó rằng khu vực này có thể sẽ đóng cửa trong suốt mùa hè. Đường vòng phía Bắc sẽ cho phép du khách tiếp cận các điểm tham quan nổi tiếng bao gồm Thác Tower và Suối nước nóng Mammoth.
Du khách vẫn sẽ bị cấm tiếp cận Thung lũng Lamar, nơi nổi tiếng với các loài động vật hoang dã phong phú bao gồm gấu, chó sói và bò rừng, thường có thể được nhìn thấy từ cự ly gần.
“Điều đó sẽ giúp 75% đến 80% công viên hoạt động trở lại”, Giám đốc Dịch vụ Công viên Quốc gia Charles “Chuck” Sams cho biết hôm 19/6 trong chuyến thăm tới Yellowstone để đánh giá tác động của lũ lụt.
Sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa - có thể là nhiều năm - để khôi phục lại hoàn toàn 2 đoạn đường bị hư hỏng nặng nối công viên với khu vực Gardiner ở phía Bắc và thành phố Cooke ở phía Đông Bắc.
Trong chuyến tham quan các khu vực bị hư hại, các quan chức của công viên đã cho phóng viên xem một trong 6 đoạn đường gần Gardiner, nơi nước lũ hoành hành đã quét sạch phần lớn con đường.
Nước bùn bây giờ chảy qua chỗ nền đường chỉ cách đây một tuần. Những thân cây to lớn rải rác khắp hẻm núi xung quanh.
Không có cơ hội để sửa chữa ngay lập tức, Giám đốc công viên Cam Sholly cho biết 20.000 tấn vật liệu đang được vận chuyển để xây dựng một tuyến đường tạm thời, thay thế dọc theo một con đường cũ chạy phía trên hẻm núi.
Điều đó sẽ cho phép các nhân viên làm việc tại trụ sở công viên ở Mammoth có thể đến nhà của họ ở Gardiner, Sholly nói. Tuyến đường tạm thời cũng có thể được sử dụng bởi các công ty du lịch thương mại có giấy phép dẫn các chuyến thăm có hướng dẫn viên.
Sholly nói: “Chúng tôi đã làm được nhiều việc hơn chúng tôi nghĩ một tuần trước. Sẽ là một mùa hè của những hồi phục và thay đổi”.
Những cư dân phía ngoài Yellowstone
Trong khi đó, một số người bị thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa - những cư dân cách xa ánh đèn sân khấu của công viên nổi tiếng - đang dựa vào nhau để kéo cuộc sống của họ ra khỏi vũng bùn.
Trong và xung quanh cộng đồng nông nghiệp của Fromberg, sông Clarks Fork đã làm ngập gần 100 ngôi nhà và làm hư hỏng nặng một con mương thủy lợi chính phục vụ nhiều trang trại. Thị trưởng của thị trấn cho biết khoảng 1/3 số ngôi nhà bị ngập lụt là quá xa để có thể sửa chữa.
Cách bờ sông không xa, nhà của Lindi O'Brien đã được nâng lên đủ cao để tránh bị hư hỏng nặng. Nhưng nhà của cô bị ngập nước khu chuồng trại và nhà kho, mất một số gia cầm và chứng kiến ngôi nhà của cha mẹ để lại bị ngập sâu vài mét nước.
Các quan chức được bầu cử đã đến tham quan thiệt hại ở Red Lodge và Gardiner - các thị trấn du lịch ở Montana đóng vai trò là cổng vào Công viên Yellowstone, Nhưng họ đã không đến Fromberg để xem xét thiệt hại. O'Brien cho biết không có gì ngạc nhiên khi vị trí của thị trấn cách xa các tuyến đường du lịch chính.
Cô không hề bực bội, đồng thời cam chịu với ý nghĩ rằng nếu muốn thị trấn Fromberg phục hồi, khoảng 400 cư dân nơi đây sẽ phải tự mình làm phần lớn công việc.
“Chúng tôi sẽ chăm sóc lẫn nhau”, O'Brien nói khi cô và hai người bạn lâu năm, Melody Murter và Aileen Rogers, kiểm tra những món đồ đóng cặn rải rác khắp nhà.
O'Brien là một giáo viên mỹ thuật tại một trường học địa phương, cô đã sửa sang lại ngôi nhà của cha mẹ với hy vọng biến ngôi nhà thành một nơi cho thuê trong kỳ nghỉ. Bây giờ, mọi thứ đều ‘tan thành mây khói’.
Cách đó vài dãy nhà, Matt Holmes chạy qua các đống rác và mảnh vỡ, cố gắng tìm thấy ít thứ còn cứu được ra khỏi ngôi nhà xe kéo mà anh cùng chung sống với vợ và 4 đứa con của mình.
Holmes đã xin nghỉ một ngày, nhưng anh nói rằng sẽ cần phải sớm quay lại với công việc xây dựng của mình để có thể bắt đầu kiếm tiền trở lại. Liệu anh có thể kiếm lại đủ tiền để xây dựng lại hay không vẫn còn chưa thể biết trước. Nếu không, Holmes cho biết, anh có thể đưa cả gia đình đến bang Louisiana, nơi họ có họ hàng để nương tựa.
“Tôi muốn ở lại Montana. Tôi không biết liệu chúng tôi có thể làm được không”, anh nói.