'Cú đánh chặn' cần thiết để phòng, chống ma túy

Trong bối cảnh hiện nay, việc xác định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy phải bị xử lý hình sự là điều cần thiết và cấp bách.

Trong bối cảnh tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, việc xử lý hình sự người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong một số trường hợp là giải pháp cần thiết nhằm cắt đứt mắt xích “cầu” trong quan hệ cung cầu ma túy.

Thời gian qua, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Không ít người sau khi sử dụng ma túy đã rơi vào trạng thái mất kiểm soát, hoang tưởng, thậm chí trở nên điên loạn. Nhiều vụ án mạng kinh hoàng xảy ra mà thủ phạm là người vừa sử dụng ma túy đá hoặc các loại ma túy tổng hợp khác. Chẳng hạn, năm 2019, một thanh niên ở Bình Tân (TP.HCM) đã sát hại ba người thân rồi khai là ra tay để “tấn công loại trừ kẻ xấu, làm sạch xã hội!?”.

 Gần đây, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá tụ điểm bán ma túy trong nghĩa trang. Ảnh: S.Đ

Gần đây, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá tụ điểm bán ma túy trong nghĩa trang. Ảnh: S.Đ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất khi một người sử dụng ma túy lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc người đó phải sử dụng ma túy để thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma túy. Để giải thoát người nghiện khỏi tình trạng lệ thuộc vào ma túy, giải pháp quan trọng đầu tiên là giúp họ cai nghiện.

Việc cai nghiện ma túy có thể được tiến hành tự nguyện hoặc bắt buộc, trong đó Nhà nước luôn khuyến khích người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự nguyện và cũng không phải người nghiện ma túy nào cũng cai nghiện tự nguyện thành công. Đối với những người này, muốn cai nghiện có hiệu quả, cần có giải pháp là cách ly hoàn toàn với môi trường có ma túy.

Chính vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Tính từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 20.000 người từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, trong số 100.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và có khoảng 50% trong số đó là trẻ em (dưới 16 tuổi). Như vậy, tình trạng người chưa thành niên sử dụng ma túy trái phép và nghiện ma túy tại Việt Nam cũng rất đáng báo động.

Thế nên, bắt đầu từ ngày 1-1-2022, Việt Nam áp dụng thêm biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người chưa thành niên nghiện ma túy mà không tự nguyện cai nghiện. Tuy nhiên, tình hình người sử dụng ma túy trái phép và tái nghiện ở nước ta vẫn không có chiều hướng giảm.

Phân tích số liệu thống kê từ nhiều nguồn cho thấy tỉ lệ tái nghiện rất cao (có thời điểm lên đến hơn 90%). Hậu quả rất lớn gây ra cho xã hội xuất phát từ hành vi sử dụng ma túy và sự quá tải của các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã làm cho những nhà lập pháp phải cân nhắc để có “cú đánh chặn” hữu hiệu hơn đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong bối cảnh đó, việc hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để cắt đứt chuỗi liên kết giữa người nghiện với bọn tội phạm buôn bán ma túy được đánh giá là cần thiết.

Trước đây, tội sử dụng trái phép chất ma túy từng được quy định tại Điều 199 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phi hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Kể từ đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt không đủ tính răn đe (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng). Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2025 đã bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Cụ thể, Điều 256a quy định phạt tù 2-3 năm đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong bốn trường hợp: (1) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; (2) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Đang trong thời hạn hai năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; (4) Đang trong thời hạn hai năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế. Như vậy, luật chỉ xử lý hình sự đối với những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.

Ma túy luôn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân người nghiện, cho gia đình và là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho xã hội. Ma túy là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản... Ngoài ra, nghiện ma túy nếu không được quản lý tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng lây lan nghiện đối với những người khác.

Do đó, việc xác định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần bị xử lý hình sự là điều hoàn toàn cần thiết và cấp bách. Điều này góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu tệ nạn xã hội, đồng thời giúp các đối tượng nghiện ma túy sớm cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/cu-danh-chan-can-thiet-de-phong-chong-ma-tuy-post859019.html