Cú 'đổi đời' nhờ vaccine Covid-19 của thành phố Đức

Từ thành phố nhỏ với khoản vay lớn vào những năm 1990, Mainz - nơi đặt trụ sở của BioNTech - không chỉ trả hết nợ mà còn tham vọng trở thành trung tâm công nghệ sinh học toàn cầu.

Vào cuối tháng 11, khi người dân ở Mainz tụ tập để thưởng thức ly rượu vang nóng đầu tiên ở quảng trường Schillerplatz, các quan chức ở tòa thị chính gần đó nhận ra điều duy nhất họ ăn mừng không phải lễ Giáng sinh đang tới gần.

Thành trì cũ của đế chế La Mã bên bờ sông Rhine đã được “đổi vận” từ khoản thuế hàng tỷ USD nhờ BioNTech - nhà phát triển vaccine Covid-19 cùng với Pfizer và là công ty đặt trụ sở tại thành phố vào năm 2008, theo Financial Times.

“Trong thời kỳ đại dịch, Mainz đã trở thành ‘hiệu thuốc’ của cả thế giới”, Thị trưởng thành phố Michael Ebling phát biểu. Ông cam kết sử dụng nguồn lợi từ BioNTech trong việc xóa khoản nợ lớn khi vay hơn 1,4 tỷ USD từ những năm 1990. Trong năm đầu tiên của đại dịch, khoản nợ đã tăng thêm hơn 33 triệu USD, chỉ tính riêng tiền lãi.

Thay vì mức bội chi ngân sách năm 2021 dự kiến hơn 41 triệu USD, lãnh đạo thành phố công bố thặng dư ngân sách hơn 1,2 tỷ USD. Với khoản thặng dư ở khoảng 556 triệu USD vào năm 2022, Mainz kỳ vọng xóa hết khoản nợ còn lại trong vòng một năm.

Thuế doanh nghiệp - một số loại có thể do chính quyền địa phương của Đức tự đưa ra - cũng sẽ được cắt giảm nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, với tham vọng biến Mainz thành trung tâm công nghệ sinh học toàn cầu.

Do luật của Đức, thành phố không chính thức công bố BioNTech là điều giúp Mainz đạt được điều này - thành tựu lớn mà giới lãnh đạo gọi là “câu chuyện Lọ Lem” thời hiện đại. Tuy nhiên, thành công của công ty tạo ra loại vaccine đầu tiên được châu Âu phê duyệt là câu chuyện mà ai cũng hiểu.

Từ vô danh thành đại gia dược toàn cầu

Hồi tháng 8, vaccine Covid-19 là sản phẩm duy nhất ra mắt thị trường của BioNTech. Chính nhờ sản phẩm này, hãng dược Đức đã gia nhập đội ngũ sản xuất thuốc hàng đầu thế giới.

Ban đầu mRNA được BioNTech nghiên cứu để phát triển loại vaccine chống lại các khối u ung thư. Nhận thấy virus gây bệnh lên đường hô hấp bắt đầu lây lan nhanh chóng từ cuối năm 2019, Ugur Sahin - CEO BioNTech - và vợ quyết định áp dụng mRNA vào mối đe dọa mới. mRNA là công nghệ sinh học được cặp đôi dành ra 2 thập niên để nghiên cứu.

Việc chế tạo thành công vũ khí trong đại dịch đã giúp cho hãng dược nhỏ từ Đức “đổi đời”.

 Vaccine Covid-19 đã đưa BioNTech thành đại gia dược phẩm. Ảnh: FP.

Vaccine Covid-19 đã đưa BioNTech thành đại gia dược phẩm. Ảnh: FP.

Theo Statista, trong năm 2019 và 2020, BioNTech chỉ kiếm được lần lượt 127 triệu USD và 566 triệu USD. Tới năm 2021, với 2,5 tỷ liều sẽ được phân phối, hãng dược từ Đức dự kiến đạt doanh thu cả năm lên tới 18,5-19,7 tỷ USD, theo AP. Con số này tăng hơn mức dự báo hồi tháng 8 là hơn 18 tỷ USD.

BioNTech đã báo cáo lợi nhuận ròng hơn 3,7 tỷ USD trong giai đoạn tháng 7-9, so với khoản lỗ 243 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 9, BioNTech đã trả 3 tỷ USD tiền thuế cho các trụ sở ở Mỹ và ở Đức.

Số tiền thuế mà BioNTech nộp cho thành phố Mainz không được công khai. Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ với Financial Times rằng BioNTech - cái tên không được nhiều người trong thành phố gần 220.000 cư dân biết đến trước đại dịch - đã nâng mức thuế của công ty từ 195 triệu USD vào năm 2020 lên hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2021.

Tận dụng vận may

Không giống như Sindelfingen - thành phố đặt nhà máy của Mercedes-Benz và sử dụng khoản thu thuế gần đây để lát đường bằng vân đá cẩm thạch, Mainz sẽ không chi tiêu mạnh tay.

“Ưu tiên cao nhất là xóa khoản nợ tiền mặt 634 triệu euro (khoảng 718 triệu USD) vào cuối năm 2022”, Giám đốc tài chính Günter Beck nói với Financial Times. "Có một sự đồng thuận chính trị rộng rãi cho động thái này, bởi cho đến khi khoản nợ được thanh toán, chúng tôi không có quyền tự do quyết định tùy ý chi tiêu”.

Sau khi các khoản nợ ngắn hạn được thanh toán, Thị trưởng Ebling muốn tận dụng vận may của thành phố để giảm sự phụ thuộc vào một công ty duy nhất.

“Chúng tôi sẽ sử dụng lợi thế tài chính và thặng dư ngân sách để thiết lập trung tâm khoa học và công nghệ sinh học toàn cầu”, ông nói.

Thị trưởng cũng hứa sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khu đất rộng 12 ha gần trụ sở của BioNTech thành trung tâm văn hóa và kinh doanh. Trong 10 năm tới, thành phố kỳ vọng tạo ra 5.000 việc làm mới.

Financial Times nhận định thành phố sẽ không thiếu người tới thuê đất làm địa điểm kinh doanh. Nhờ BioNTech, các công ty từ khắp nước Đức và trên thế giới đã bắt đầu hỏi về việc chuyển đến Mainz.

“Đột nhiên, Singapore biết đến chúng tôi nhiều hơn”, Günter Jertz - Giám đốc điều hành phòng thương mại của khu vực Rheinhessen, bao gồm Mainz - cho biết. Ông nói thêm rằng đối với một thành phố từng chỉ xuất hiện trên tiêu đề cho lễ hội hóa trang hàng năm, thành công về mặt thương mại và khoa học của BioNTech “là một cách quảng cáo vô giá”.

 BioNTech đặt trụ sở tại đường At the Goldmine của thành phố Mainz. Ảnh: Reuters.

BioNTech đặt trụ sở tại đường At the Goldmine của thành phố Mainz. Ảnh: Reuters.

Hơn thế nữa, Mainz cũng biết cách “chiều lòng” khách hàng của mình. Thành phố có kế hoạch giảm gần 1/3 thuế doanh nghiệp vào năm tới - biện pháp tiết kiệm cho các công ty hơn 396 triệu USD vào năm 2022.

Điều này đã đưa Mainz trở thành một thành phố có thể kinh doanh với giá rẻ hơn nhiều so với Wiesbaden hoặc Frankfurt - trung tâm tài chính của Đức, cả hai đều ở bang Hesse.

Ông Beck cho biết quyết định này được đưa ra “bởi vì chúng tôi muốn trả lại điều gì đó cho những người giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển ở Mainz”, ám chỉ BioNTech.

Bên cạnh đó, Peter Hähner, Chủ tịch phòng thương mại Rheinhessen, lo ngại rằng “có thể có rủi ro nếu chúng tôi không hỗ trợ BioNTech, họ sẽ chuyển đi nơi khác”.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy công ty sẽ rời thành phố.

Ngược lại, hồi tháng 11, BioNTech tuyên bố sẽ chi hơn 1 tỷ USD để mở rộng trụ sở chính nằm trên đường At the Goldmine - phố được đặt tên theo một phát hiện khảo cổ học của người La Mã. Họ dự kiến xây dựng thêm 10 địa điểm trên khắp Mainz và tuyển dụng hàng nghìn người trong những năm tới.

Một số công ty trong khu vực cũng được hưởng lợi từ vaccine Covid-19 của BioNTech. Trong đó phải kể đến hãng dược Merck của Đức - sản xuất các hạt nano lipid cho vaccine - và nhà sản xuất lọ đựng Schott.

Giám đốc Beck tự tin rằng những công ty hiện có và những công ty mới đến sẽ là tiền đề phát triển cho Mainz, ngay cả khi điều đó gây thiệt hại cho các thành phố khác có mức thuế cao hơn.

Wiesbaden và các chính trị gia địa phương đã chỉ trích Mainz về hành động giảm thuế, trong khi giới kinh tế dự đoán về một cuộc chạy đua khốc liệt giữa các thành phố của Đức.

"Có thể hiểu lý do Mainz giảm thuế suất, nhưng tôi muốn đề cập tới những chỉ trích về mức độ mà thành phố giảm", René Geissler - giáo sư quản lý công tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kỹ thuật ở Wildau, nhận định. “Nó giống như một quả bom. Điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn để các thành phố khác làm theo”.

Ông cũng đặt câu hỏi về lợi ích ngay lập tức mà điều này mang lại. Ông cho rằng đối với các công ty khởi nghiệp, khi lựa chọn địa điểm cho trụ sở chính, thuế suất thấp thường không quan trọng bằng việc xung quanh đó có tổ chức nghiên cứu hoặc công ty hoạt động cùng lĩnh vực với họ không.

“Có một bài báo nói rằng Wiesbaden ghen tị và Mainz không thể hiện sự đoàn kết (với Wiesbaden)”, ông Beck nói. “Wiesbaden đã giàu có trong nhiều thập niên còn Mainz thì nghèo khó. Wiesbaden cũng đâu có sự đoàn kết với Mainz”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-doi-doi-nho-vaccine-covid-19-cua-thanh-pho-duc-post1286157.html