Cự Đồng đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững

PTĐT - Từng là xã đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao song với quyết tâm và sự đồng thuận cao trong chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đến nay xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn  đã ra khỏi diện xã 135, thu nhập, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Hộ anh Hoàng Bá Ước ở khu Quyết Tiến trồng bưởi Diễn kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao.

Hộ anh Hoàng Bá Ước ở khu Quyết Tiến trồng bưởi Diễn kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao.

Về Cự Đồng đúng vào thời điểm cây trồng vụ đông đã lên xanh tốt, trên các chân ruộng bậc thang ngô đông đang bước vào giai đoạn trổ cờ. Nếu như các xã đồng bằng trắng cây trồng vụ đông thì nông dân nơi đây vẫn chăm chỉ bám đồng, bám ruộng, một nắng hai sương trồng, chăm sóc ngô, lạc, rau màu... vừa tăng thu nhập, vừa tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Hải phấn khởi cho biết: Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn ra phức tạp, giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp cao nhưng địa phương vẫn đảm bảo sản xuất ổn định 3 vụ/năm, riêng vụ đông diện tích gieo trồng tăng lên gần 80ha.Với diện tích tự nhiên gần 1.700ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, trong khi ngành nghề, dịch vụ chưa phát triển, Đảng bộ, chính quyền xã Cự Đồng luôn xác định để giảm nghèo bền vững trước hết phải đảm bảo an ninh lương thực. Hàng năm, xã chỉ đạo sát sao từ chuẩn bị thời vụ, cơ cấu giống, phân bón đến công tác chống hạn, chống úng; huy động các nguồn lực đảm bảo gieo cấy hết diện tích, đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng năng suất lúa trung bình 54-55 tạ/ha, ngô đạt 35-37 tạ/ha. Các cây trồng khác như: Sắn, đậu đỗ, rau màu... đều đạt diện tích gieo trồng theo kế hoạch, cho năng suất cao. Khai thác lợi thế đất đồi rừng, xã đã tập trung phát triển cây chè, cây ăn quả, cây nguyên liệu giấy... giúp người dân nâng cao thu nhập, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 70%. Đến thăm mô hình trồng bưởi Diễn kết hợp với chăn nuôi của hộ anh Hoàng Bá Ước ở khu Quyết Tiến, bất cứ ai cũng trầm trồ trước vườn bưởi vàng ươm, sai trĩu cành, quả nào quả nấy căng tròn đang vào vụ thu hoạch. Với 500 gốc bưởi, dự tính năm nay gia đình anh Ước sẽ cung cấp cho thị trường trên 1 vạn quả, thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng. Ngoài hộ anh Ước, ở Cự Đồng còn nhiều hộ phát triển kinh tế tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) mang lại hiệu quả cao như hộ ông Nguyễn Đăng Văn ở khu Chón, Nguyễn Văn Khanh ở khu Kim Thịnh... Tổng diện tích trồng bưởi của toàn xã đạt 16,8ha, trong đó hơn 9ha đã cho thu hoạch với giá trị sản phẩm đạt 150- 200 triệu đồng/ha. Cùng với bưởi, diện tích chè tăng lên hơn 20ha, năng suất đạt 10 tấn/ha. Trong chăn nuôi, để bù đắp những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, xã phát triển mạnh đàn gia cầm, trâu, bò, dê sinh sản; tận dụng mặt nước hồ Đá Mài, hồ Tải Giang phục vụ nuôi trồng thủy sản. Với đặc thù hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác đào tạo, dạy nghề, trang bị kiến thức trong sản xuất nông, lâm, thủy sản cho người dân được quan tâm. Xã thường xuyên phối hợp với Trạm khuyến nông huyện, các đơn vị dạy nghề tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tiếp nhận, triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật cho bà con. Tổng đàn trâu bò của toàn xã đạt trên 1.000 con, đàn lợn 3.200 con, đàn gia cầm trên 48.000 con, sản lượng thủy sản 22-25 tấn/năm… Đặc biệt những năm qua, khai thác lợi thế có tuyến QL 70B chạy qua, kết nối với tỉnh Hòa Bình, thuận lợi giao lưu trao đổi hàng hóa, xã khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ: Chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung, dịch vụ vận tải, cơ khí sửa chữa, may mặc… Hằng năm, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp với huy động nguồn lực tại chỗ tập trung nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, điện phục vụ sản xuất, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư... phục vụ dân sinh, tổng nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng trong 3 năm trở lại đây đạt khoảng 40 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, xã luôn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đầu tư phát triển sản xuất, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt gần 80 tỷ đồng. Nhờ hướng đi đúng, cách làm hay, kinh tế của Cự Đồng đã có sự tăng trưởng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%/năm, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến, công tác y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 24,5 triệu đồng/ năm, số hộ nghèo chỉ còn chiếm 5,3% tổng hộ, toàn xã thực hiện đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, đang phấn đấu đến năm 2021 sẽ cơ bản đạt đủ 19/19 tiêu chí, tạo diện mạo mới cho xã vùng cao đang trên đà phát triển.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/cu-dong-day-manh-phat-trien-kinh-te-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-168174