Cụ già quét điện thoại sắm hàng online

Quét mã QR ra sản phẩm và thanh toán ngay trên điện thoại, nhiều cụ già ngạc nhiên bởi xu hướng mua sắm mới diễn ra trong ngày Online Friday.

Online Friday - ngày mua sắm trực tuyến quốc gia đã bước sang năm thứ 6 liên tiếp, cũng là năm chứng kiện sự tăng trưởng, đột phá của thương mại điện tử nói riêng cũng như nền kinh tế số nói chung theo chủ trương bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ.

Khi đó, người tiêu dùng không còn phải lên trên website mua sản phẩm và thanh toán sau, mà chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là xong một cách nhanh chóng. Các đơn vị bán hàng cũng lập tức nhận đơn và chuyển phát nhanh chóng. Bên bán, bên mua và đơn vị vận chuyển đều có thể kiểm tra được đơn hàng.

Chính sự mới mẻ này đã làm thay đổi mạnh mẽ các gian hàng, khi hầu hết chỉ dán hình ảnh mã QR, thậm chí không có sản phẩm thật và người tư vấn. Thông qua các công cụ thanh toán trên nền tảng di động, người mua hàng nhận được nhiều mã giảm giá và không phải dùng tiền mặt.

Cụ già quét điện thoại sắm hàng online

Cụ già quét điện thoại sắm hàng online

Online Friday 2019 sẽ có hơn 50.000 mặt hàng của trên 1.000 thương hiệu giảm giá đến 70% với lượng giao dịch khoảng 2.500 tỷ đồng. Các mặt hàng giảm giá sâu gồm: nhu yếu phẩm phục vụ Tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm, thời trang, vé máy bay, sách, văn phòng phẩm,... Đặc biệt, sự kiện Online Friday năm nay còn có điểm mới là Ban tổ chức triển khai hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thông qua nền tảng e-voucher.

Đáng chú ý, trong 2 năm gần đây, để đẩy mạnh việc thanh toán điện tử, chương trình đã đưa mã QR code vào thử nghiệm. Đây là một trong các phương thức thanh toán trong ngày hội mua sắm Online Friday. Chỉ sau 2 năm áp dụng, mức tăng trưởng đã từ 1,3 triệu lượt quét mã QR năm 2017 lên trên 2 triệu lượt quét QR vào năm 2018.

Nhờ đó, năm 2018, Online Friday đã thu hút được hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia; tổng giá trị giao dịch hàng hóa trong 24 giờ diễn ra chương trình ước tính đạt trên 2.000 tỷ đồng với 1,8 triệu đơn hàng.

Bà Đỗ Thị Vân (60 tuổi, quận Hoàn Kiếm) cho hay, sau khi đi tham quan các gian hàng bà rất tò mò không hiểu đây là triển lãm gì, gian hàng bán gì. Nhưng sau khi được nhân viên giới thiệu, thao tác mua sắm trên điện thoại, bà thực sự ngạc nhiên về cách thức mua hàng mới mẻ này. Bà cũng nhờ nhân viên hỗ trợ để cài ngay ứng dụng trên điện thoại để mua hàng giảm giá.

Kích cầu mua sắm trực tuyến

Trong sự kiện Online Friday lần thứ 5 diễn ra năm ngoái, chỉ trong vòng 16 tiếng đồng hồ đã có hơn 920.000 đơn đặt hàng thành công. Tuy nhiên, tỷ lệ đặt hàng thanh toán bằng hình thức trả tiền mặt vẫn cao hơn rất nhiều so với thanh toán trực tuyến, chiếm tới 87% tổng số đơn đặt hàng.

Giới trẻ hào hứng tham gia mua sắm trực tuyến tại gian hàng VNpost

Giới trẻ hào hứng tham gia mua sắm trực tuyến tại gian hàng VNpost

Với hơn 70% dân số sở hữu điện thoại thông minh (theo báo cáo của Appota - Công ty Công nghệ Giải trí Việt Nam), đặc biệt là giới trẻ đam mê công nghệ, thích ứng nhanh chóng với các xu hướng thanh toán mới, thanh toán bằng QR Code sẽ bùng nổ nhanh chóng tại Việt Nam.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đã khảo sát và cho biết đến 40%người dùng điện thoại thông minh để mua sắm tại Việt Nam. Euromonitor - Tập đoàn nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London - cũng dự đoán tổng giá trị thanh toán di động của thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ đạt khoảng 32 tỷ USD trong năm 2021, gấp 10 lần so với năm 2013.

Phân tích về số liệu trên, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện có nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT... có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất.

Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhấn mạnh: "Việc tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng cơ hội nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho bán lẻ với dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Đây là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài".

Đông Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/cu-gia-quet-dien-thoai-sam-hang-online-595444.html