Cú hích chiến thuật

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây có chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga để gặp những nhà lãnh đạo cao nhất xứ sở bạch dương và họp ủy ban hợp tác liên chính phủ hai nước.

Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc mang đến cơ hội đúng lúc để hai bên thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời mở ra không gian rộng lớn hơn cho hợp tác thực tiễn mà ở đó, hợp tác về kinh tế-thương mại sẽ chiếm phần nhiều.

Điều này phần nào được minh chứng thông qua kết quả cuộc hội đàm tại thành phố Saint Peterburg giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, khi lãnh đạo hai nước thống nhất mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024, nghĩa là gần gấp đôi so với mức 108 tỷ USD hiện nay. Ngoài ra, hai bên cũng ký khoảng 20 văn bản hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, như: Hàng không, vũ trụ, xây dựng hạ tầng và thương mại… Bắc Kinh dự kiến sẽ dành khoảng 2,6 tỷ USD cho các dự án nằm trong kế hoạch tăng tốc nền kinh tế Nga đến năm 2024.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và phu nhân Trịnh Hồng tới thăm Nga. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và phu nhân Trịnh Hồng tới thăm Nga. Ảnh: Reuters

Dù được đánh giá là có tiềm năng hợp tác to lớn, song thực tế cho thấy, quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc chỉ thực sự bứt phá kể từ năm 2014 khi các quốc gia phương Tây bắt đầu áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Cũng kể từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2018, tổng giá trị thương mại Nga-Trung cán mốc 108 tỷ USD-mức cao nhất từ trước tới nay. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ trong 8 tháng của năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 70,6 tỷ USD, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, sự xích lại gần nhau về mặt chính trị giữa hai nước cũng ngày càng được thể hiện rõ nét trong vài năm gần đây. Bằng chứng là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên gặp nhau với tần suất không dưới 5 lần mỗi năm.

Nhưng, những con số tích cực đó không thể khiến người ta lãng quên một thực tế rằng, chuyến hành quân đến nước Nga lần này của ông Lý Khắc Cường diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng này đều đang phải đối mặt với những sức ép và khó khăn kinh tế đến từ cùng một địa chỉ. Với Bắc Kinh, đó là cuộc chiến thương mại “hao tâm tốn sức” và chưa thấy hồi kết với Mỹ, khiến nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới dường như bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đi xuống. Số liệu do Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc vừa công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 8 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 17 năm qua. Còn trong khoảng 5 năm trở lại đây, nền kinh tế Nga cũng không ít lần “khó thở” bởi sức ép trừng phạt liên tiếp gia tăng từ Mỹ và phương Tây.

Thế nên, việc các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga và Trung Quốc vỗ tay cho bất cứ kế hoạch hợp tác kinh tế nào được khởi xướng ở thời điểm này cũng là điều dễ hiểu. Và mục tiêu hàng đầu trong các cuộc tiếp xúc vừa qua của ông Lý Khắc Cường với Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Dmitry Medvedev không gì khác ngoài việc đưa hai nước xích lại gần nhau trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, coi đó như một cách để nới lỏng “vòng vây” và sức ép.

Một trong những bước đi quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được là việc dỡ bỏ các rào cản trong lĩnh vực mua bán hàng nông sản và nâng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc với các sản phẩm nông nghiệp xuất xứ từ Nga, chẳng hạn như lúa mì và đậu tương. Giữa lúc các doanh nghiệp Trung Quốc đang “khốn đốn” bởi các đòn áp thuế bổ sung của Mỹ, hướng tới một đối tác gần gũi về địa lý như Nga một mặt sẽ giúp Trung Quốc giải quyết đầu ra cho hàng hóa, mặt khác sẽ giảm gánh nặng thiếu hụt các mặt hàng mà lâu nay vẫn dựa vào nhập khẩu từ Mỹ. Đổi lại, đó cũng sẽ là cơ hội để Moscow đẩy mạnh xuất khẩu và đón nhận thêm những nguồn đầu tư từ thị trường đông dân nhất thế giới.

Bài toán thương mại mà cả hai nước đang đối mặt khó có thể được giải trong vòng một đêm. Nhưng hoạt động xuất nhập khẩu qua lại giữa hai bên biên giới Nga-Trung dự kiến sẽ nhộn nhịp hơn trong những ngày tới. Về lâu dài, Bắc Kinh vẫn phải dồn tâm huyết vào những cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, bởi đơn cử như trong lĩnh vực xuất khẩu đậu tương, Nga khó có thể vượt Mỹ để trở thành nhà cung cấp số 1 mặt hàng này cho Trung Quốc.

Dù lãnh đạo hai nước tuyên bố quan hệ Nga-Trung đang bước vào một “kỷ nguyên mới”, song nhìn chung, chuyến làm khách tới nước Nga vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường chưa thể được coi là một bước ngoặt hoặc đủ sức nặng để hình thành một “liên minh Trung-Nga” thực thụ và bền vững giống như mô tả của nhiều người. Có lẽ, đó thực chất là một mối quan hệ đối tác rộng hơn, được bồi đắp thông qua tăng cường giao thương, nhằm hỗ trợ lẫn nhau khi không có xung đột về lợi ích, đồng thời giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.

Nói đúng hơn, những thỏa thuận ký chưa ráo mực nhân chuyến thăm vừa qua của ông Lý Khắc Cường đáng được xem như một “cú hích” đầy tính chiến thuật, vừa giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Nga-Trung, vừa giúp đôi bên tìm lại lợi thế khi bàn thảo với những đối thủ cũ về các vấn đề liên quan đến “cơm áo gạo tiền”.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cu-hich-chien-thuat-591603