Cú hích cho dòng phim lịch sử - chiến tranh
Sau thời gian trầm lắng, dòng phim chiến tranh - lịch sử Việt Nam đang được 'đánh thức' trở lại với cú hích mang tên Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Bộ phim khẳng định sức sống của thể loại từng bị xem là 'khó nhằn', đồng thời mở ra hy vọng mới cho một dòng phim lâu nay thiếu vắng trên màn ảnh rộng.

Hình ảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”
Quan trọng hơn, Địa đạo chứng minh khán giả Việt vẫn luôn sẵn lòng đồng hành cùng lịch sử nước nhà - miễn là câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh chân thực, sống động và đầy cảm xúc.
Cơn sốt mang tên “Địa đạo”
Không nằm ngoài dự đoán khi sớm nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn lẫn công chúng, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối nhanh chóng “thống trị” phòng vé.
Theo thống kê từ Box Office Vietnam, chỉ sau tuần đầu công chiếu (từ 4-10.4), phim đã thu về gần 100 tỉ đồng - một thành tích ấn tượng hiếm thấy với thể loại chiến tranh - cách mạng.
Bộ phim kể về Đội du kích Củ Chi năm 1967 - giai đoạn chiến tranh Việt Nam ác liệt nhất - với nhiệm vụ bảo vệ nhóm tình báo chiến lược giữa vòng vây quân đội Mỹ. Câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát vọng sống mãnh liệt, nhưng trên hết vẫn là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được khen ngợi nhờ tái hiện chân thực không khí khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh những người lính “chân trần, chí thép” trong mê cung địa đạo - biểu tượng bất khuất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thành công thương mại vang dội của Địa đạo không phải là điều quá bất ngờ, mà là kết quả của một hành trình tâm huyết. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mất 10 năm ấp ủ, với nhiều thời điểm tưởng chừng dự án sẽ “chết yểu” vì thiếu kinh phí - điều từng xảy ra với không ít dự án phim lịch sử như Chiến thắng Bạch Đằng Giang, Hai Bà Trưng, Sơn Tinh - Thủy Tinh...
May mắn thay, Địa đạo đã tìm được những nhà đầu tư không đặt nặng lợi nhuận, mà đặt niềm tin vào việc giữ gìn ký ức dân tộc. “Chúng ta không thể tiến đến tương lai nếu không hiểu rõ lịch sử”, nhà đầu tư Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Trước đó, phim Đào, Phở và Piano (đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn, ra mắt đầu năm 2024) gây bất ngờ bởi lượng người xem đông đảo. Khán giả và giới chuyên môn bất ngờ ở chỗ sau thời gian dài, lại có một tác phẩm điện ảnh đề tài lịch sử - chiến tranh “gây sốt” với hiện tượng cháy vé, website rạp chiếu quá tải, các suất liên tục kín chỗ…
Trường hợp này cho thấy khán giả không quay lưng với phim chiến tranh - cách mạng, chỉ là phim phải “chạm” đúng cảm xúc và được phát hành đúng cách.
Với Địa đạo, yếu tố thành công không chỉ đến từ câu chuyện lịch sử hấp dẫn, mà còn nằm ở cách kể chuyện điện ảnh hiện đại, có chiều sâu tâm lý, hình ảnh chân thực, tiết tấu kịch tính, âm thanh sống động. Đây chính là yếu tố giúp phim chạm được đến người trẻ - nhóm khán giả tưởng chừng thờ ơ với phim lịch sử.

Hình ảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”
Sự trở lại hiếm hoi và đầy hứa hẹn
Trong nhiều năm qua, phim lịch sử vẫn được xem là “địa hạt khó”: Tốn kém, áp lực dư luận, kén khán giả… Trong những năm gần đây, dòng phim chiến tranh - lịch sử gần như vắng bóng, ngoại trừ vài tác phẩm nhỏ lẻ hoặc nghiêng về thời hậu chiến vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng khiến nhiều người trăn trở!
Tuy nhiên, năm 2025 đánh dấu sự trở lại hiếm hoi và đầy hứa hẹn với ít nhất 2 tác phẩm, đó là Địa đạo đang công chiếu và sắp tới là Mưa đỏ - phim tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Dự án Mưa đỏ do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất, dự kiến ra mắt giữa 2025, hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2025).
Phim do đạo diễn Đặng Thái Huyền (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai), lấy bối cảnh diễn ra chủ yếu ở Quảng Trị và một số địa điểm ở Thừa Thiên Huế, Hà Nội và Paris (Pháp)…
Việc xuất hiện trở lại của các dự án quy mô lớn cho thấy, dòng phim lịch sử - chiến tranh hoàn toàn có thể hồi sinh, nếu có sự phối hợp giữa Nhà nước, tư nhân và các đơn vị phát hành. Vấn đề không nằm ở nhu cầu khán giả, mà ở năng lực tổ chức sản xuất và tầm nhìn dài hạn của ngành công nghiệp điện ảnh.
Một trong những lý do từng khiến dòng phim lịch sử bị gắn mác “kén khách” là lối làm phim cũ kỹ, nặng tính minh họa, lời thoại khô cứng, hình ảnh sơ sài, làm ra để tưởng niệm hơn là thưởng thức. Nhưng Địa đạo đã chứng minh điều ngược lại, khán giả luôn sẵn lòng, miễn là họ được tôn trọng bằng những bộ phim tử tế.
Sau gần nửa thế kỷ, nếu Cánh đồng hoang từng tiên phong cho dòng phim chiến tranh Việt Nam, thì giờ đây Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là ngọn lửa bùng lên, thổi làn hơi ấm mạnh mẽ và đầy cảm hứng vào nghệ thuật điện ảnh nước nhà.
Vấn đề còn lại là, ngành công nghiệp điện ảnh có đủ dũng khí và tâm huyết để giữ ngọn lửa đó cháy tiếp hay không?
TP.HCM đang tổ chức bình chọn 50 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, hàng loạt phim kinh điển như: Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa... góp mặt như một lời nhắc nhở thế hệ làm phim hôm nay: Đừng để dòng phim mang bản sắc dân tộc này rơi vào quên lãng!
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang trong quá trình xét duyệt hồ sơ gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là cơ hội để điện ảnh thành phố bứt phá, đặc biệt trong việc đầu tư cho dòng phim lịch sử mang tầm vóc quốc gia.
Điện ảnh có vai trò lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh
Tại Hội thảo khoa học Phim truyện Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam sau năm 1975: Sự chuyển hướng hình tượng tác phẩm thông qua quá trình cải biến nhân vật do Viện Phim Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định: Dòng phim đề tài chiến tranh Việt Nam, dù đến từ Việt Nam hay Mỹ, đều góp phần thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau, hướng tới mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia.
Theo PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, các tác phẩm điện ảnh Mỹ, mang điểm chung là phản ánh tương đối trung thực các sự kiện diễn ra tại chiến trường cũng như tại quê nhà của các nhân vật trong phim, nổi bật xuyên suốt là dù tham gia chiến đấu, các nhân vật và quân đội Mỹ nói chung đều mơ hồ về mục đích của cuộc chiến; bế tắc trong hành động buộc phải đương đầu với một cuộc chiến quá khó khăn, ác liệt, không có chính nghĩa…
Bằng cách đó, các tác phẩm điện ảnh của Mỹ, hoặc vô tình hoặc cố ý, đã gieo rắc trong nhận thức cũng như tâm lý người Mỹ tâm thức chán ghét chiến tranh.
Trong lúc đó, các tác phẩm đề tài chiến tranh của Việt Nam lại phản ánh cả dân tộc đoàn kết một lòng, hừng hực khí thế xông lên, quyết tiêu trừ giặc xâm lược. Hành động của các nhân vật cá thể cũng như tập thể đều chói ngời truyền thống ngàn đời chống giặc ngoại xâm.
Điều đó không chỉ khích lệ, cổ vũ quân dân một lòng thẳng tiến, quyết giành độc lập tự do, mà còn làm cho người Mỹ dần dần hiểu rõ khí thế không thể đảo ngược ý chí của dân tộc Việt…
Với sức mạnh lan tỏa và tính biểu cảm đặc biệt, điện ảnh giúp khắc họa lịch sử bằng nghệ thuật, đồng thời còn là cầu nối tinh thần giữa quá khứ và hiện tại, giữa hai phía từng ở chiến tuyến đối đầu - nay cùng hướng đến một tương lai chung hòa bình, hợp tác và phát triển.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/cu-hich-cho-dong-phim-lich-su-chien-tranh-127292.html