'Cú hích' cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay mới có 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.

Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án. Mặc dù được kỳ vọng sẽ là một cú hích lớn đối với thị trường bất động sản nói chung và đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhưng có thể thấy kết quả giải ngân của gói tín dụng này vẫn còn khá khiêm tốn.

Vừa qua 4 NHTM cổ phần là TPBank, VPBank, MB, Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia gói tín dụng cho nhà ở xã hội với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số vốn tham gia chương trình này lên 140.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, NHNN đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3 - 5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%). Được biết, ngày 2/8/2024, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4408/BXD-QLN thống nhất với đề xuất nêu trên của NHNN.

Theo các chuyên gia, điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của ngành Ngân hàng nhằm thúc đẩy tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Quy mô gói tín dụng đã được nâng lên, lãi suất cũng đã được điều chỉnh để nhằm tạo thuận lợi cho người mua nhà, tuy nhiên theo đại diện các ngân hàng, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai chương trình.

Quy mô gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội đã được nâng lên 140.000 tỷ đồng

Quy mô gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội đã được nâng lên 140.000 tỷ đồng

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, thực tế hiện nay, điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội khá khắt khe, nên đối tượng đáp ứng được rất hạn chế. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vướng mắc về pháp lý, cộng thêm lợi nhuận thấp nên chủ đầu tư chưa mặn mà triển khai dự án nhà ở xã hội. Còn các ngân hàng cũng quan ngại vì liệu có cho vay đúng đối tượng không. Vì thế, theo ông Lâm cần cân nhắc mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội để có thể tạo động lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Tương tự, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cũng chia sẻ, một trong các nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp.

Một tin vui đối với người mua nhà đó là vừa qua, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trao đổi với phóng viên, Luật sư, Ths. Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những quy định điều kiện về nhà ở, mức thu nhập tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Cụ thể, Điều 29 Nghị định 100 quy định cá nhân chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích dưới 15m2/người (trước ngày 1/8/2024, mức quy định này là 10m2/người) và có thu nhập với mỗi người không quá 15 triệu đồng/tháng, 2 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng tính trong 1 năm đến thời điểm nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội (trước đây quy định là trên 11 triệu đồng/tháng).

Nghị định số 100/2024/NĐ-CP cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính cho cá nhân khi mua, thuê nhà ở xã hội. Các quy định xác nhận của UBND cấp xã liên quan đến nơi cư trú của cá nhân, xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ về đất ở, nhà ở theo Luật Nhà ở 2014 đã được loại bỏ. Việc xác nhận về mức thu nhập của cá nhân (không quá 15 triệu đồng/người/tháng) sẽ do doanh nghiệp nơi người lao động làm việc xác nhận hoặc do UBND cấp xã xác nhận nếu mua, thuê nhà ở xã hội không có hợp đồng lao động.

Các quy định vốn là “rào cản” về cư trú hay thu nhập hơn mức 11 triệu đồng/tháng không được mua nhà ở xã hội thì nay đã được mở rộng hơn, giúp những cá nhân thu nhập trung bình, thu nhập thấp có điều kiện gần hơn khi mua nhà ở xã hội, Luật sư Phạm Thanh Tuấn khẳng định.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhận định, các quy định mới này là “thấu tình, đạt lý”, phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân có thu nhập trung bình, nộp thuế cho Nhà nước.

VARS cho rằng, các quy định mới này sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, phần nào giải quyết thực trạng của phân khúc nhà ở xã hội như thời gian vừa qua, nhất là tại các tỉnh, thành phát triển gắn liền với khu công nghiệp, có lượng lao động nhập cư lớn.

Những chuyển biến tích cực này là nhờ quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành quyết tâm thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Các chuyên gia cũng mong muốn đây sẽ là một “cú hích” để gói tín dụng cho nhà ở xã hội được giải ngân đúng như kỳ vọng khi đã có nhiều yếu tố thuận lợi hơn.

Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN hàng ngày, hàng giờ theo dõi, đánh giá về tình hình triển khai, tạo điều kiện cho các NHTM giải ngân tốt nhất. Ngoài gói tín dụng trên, Phó Thống đốc cho biết, NHNN hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các NHTM bằng nguồn lực của mình tham gia vào chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Qua đó hỗ trợ người mua nhà, các nhà đầu tư xây dựng các khu dự án nhà ở xã hội làm sao có thời gian vay vốn, cơ cấu nguồn vốn cũng như lãi suất một cách phù hợp nhất cho đối tượng này.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cu-hich-cho-goi-tin-dung-120000-ty-dong-154445.html