Cú hích cho làng nghề bứt phá

Làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng đã bước vào giai đoạn mới khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Điều đó hứa hẹn đem lại cơ hội thuận lợi, tiếp lực cho làng nghề bứt phá, nhưng cũng đòi hỏi các hộ sản xuất, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Du lịch làng nghề được xem là một giải pháp quan trọng, không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến mà còn tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Linh Ngọc

Cơ hội song hành cùng thách thức

Theo thống kê, nước ta có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó khoảng 2.000 làng nghề truyền thống với hơn 50 nhóm nghề như: Sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... Đặc biệt, các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống Việt Nam khá phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp và không hiếm sản phẩm chất lượng cao. Riêng vùng “đất trăm nghề” Hà Tây khi về với Hà Nội đã giúp Thủ đô có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động.

Hiệp định EVFTA vừa chính thức được thông qua và dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 7-2020. Các chuyên gia cho rằng cơ hội là rất lớn. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính nhận định: EU có thu nhập bình quân đầu người rất cao, nhu cầu tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú. Đặc biệt, thị trường này có trào lưu tiêu dùng đơn chiếc và tiêu dùng hàng “handmade”. Do đó, việc phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống là thế mạnh của Việt Nam.

Mặt khác, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác. Bên cạnh đó, việc EU đã có quá trình công nghiệp hóa với các làng nghề cũng được xem là cơ sở để Việt Nam tiếp cận công nghệ phù hợp với các làng nghề trong nước...

Cơ hội nhiều nhưng thách thức đặt ra cũng không ít. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sản phẩm làng nghề Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thiếu tính đồng loạt, đặc biệt là các sản phẩm “handmade”, điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trước đòi hỏi của những đơn hàng xuất khẩu lớn từ khách hàng EU. Cách thức quản lý, công nghệ sản xuất hàng hóa tại các làng nghề Hà Nội hiện nay quá lạc hậu, bởi vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trong thời gian ngắn là điều rất khó.

“Sự liên kết lỏng lẻo, mô hình kinh doanh của các hộ gia đình mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, do đó không dễ đáp ứng yêu cầu đối với các đơn hàng lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ít khi hợp tác mà cạnh tranh với nhau, điều này có thể dẫn hoạt động của làng nghề đi vào ngõ cụt. Nhìn chung, với việc Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, yếu tố thúc đẩy đối với làng nghề truyền thống Việt Nam là nhiều, nhưng trở lực cũng lớn và đó là điều mà các làng nghề cần phải lưu tâm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đi thẳng vào vấn đề, chuyên gia kinh tế nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khẳng định các sản phẩm làng nghề thường gắn với yếu tố văn hóa. Du khách EU mong muốn mua sản phẩm mang dấu ấn văn hóa của quốc gia mà mình tới, và nghiêng nhiều về văn hóa dân gian. Tuy nhiên, hiện nay, nhóm ngành hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có mẫu mã khá đơn điệu, nhiều sản phẩm chứa đựng yếu tố tâm linh, thiên về Phật giáo nên không dễ tiếp cận người tiêu dùng EU. Đối với mặt hàng gốm sứ, sản phẩm đẹp nhưng cồng kềnh, dễ vỡ nên khó bán cho khách du lịch và khi xuất khẩu thì chi phí sẽ rất lớn.

Giải pháp cho sản phẩm làng nghề Hà Nội

Khách nước ngoài tham quan làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Hiền

Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề Hà Nội phải hướng tới việc sản xuất sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với lối tiêu dùng có trách nhiệm của người dân EU. Cần kết hợp phát triển du lịch làng nghề, đưa khách du lịch EU đến để họ có cơ hội trải nghiệm, cảm nhận nét văn hóa độc đáo, quy trình sản xuất có nhiều điểm đặc biệt tại các làng nghề ở Hà Nội, đó là giải pháp rất quan trọng, không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến mà còn tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Đây sẽ là cầu nối thông tin thương mại quan trọng với các doanh nghiệp tại thị trường này. “Không có gì truyền tải thông tin về sản phẩm tốt bằng việc du khách tận mắt chứng kiến người thật, việc thật và lan tỏa cảm xúc về điều đó với nhiều người khác”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy đánh giá.

Cùng với đó, vai trò của các tham tán thương mại tại nước ngoài trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, mẫu mã, giá cả, thị hiếu của người tiêu dùng EU cần phải được nâng lên, từ đó đưa ra khuyến nghị tốt nhất cho các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam để họ có sự thay đổi phù hợp. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý nhiều hơn cho công tác quy hoạch làng nghề, thậm chí tính tới việc đưa các hộ sản xuất vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Việc này góp phần xử lý tốt vấn đề liên quan tới môi trường làng nghề. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, làng nghề cần được triển khai đúng người, đúng việc.

Về phía doanh nghiệp, từng nơi cần phát huy tinh thần tự lực, “tự lớn”, tự xem xét yêu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phải thực hiện ngay việc tạo mối liên kết chung chặt chẽ, đặc biệt là giữa những nơi sản xuất cùng một loại sản phẩm. Sự hợp tác sẽ tạo tiếng nói chung với cơ quan chức năng, với bạn hàng, giảm chi phí tiếp cận thị trường. “Đã đến lúc các doanh nghiệp làng nghề phải vươn lên, trở thành những chủ thể đủ mạnh, có thể tham gia thiết kế, sáng tạo để tạo ra sản phẩm hàng hóa riêng, có thể dẫn dắt thị trường”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Một trong những hạn chế lớn nhất là khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề cần đặc biệt lưu tâm tới các phần việc như xây dựng và khẳng định thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý..., những yếu tố đặc biệt quan trọng khi tham gia xuất khẩu và bảo hộ quyền lợi của nhà xuất khẩu.

Năm 2019, Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo lần đầu tiên được thành phố Hà Nội tổ chức đã tạo sự lan tỏa các ý tưởng thiết kế mẫu sản phẩm mới, có tính ứng dụng và giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Hải cho hay, hoạt động này là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.

Bên cạnh đó, thách thức về ô nhiễm môi trường đang buộc các làng nghề phải có một cuộc “lột xác” trong quy hoạch với tư duy và quyết tâm cao hơn. Để khắc phục vấn đề này, trước đây, Sở Công Thương Hà Nội đã lập và triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015. Qua đề án này, có thêm 18 cụm công nghiệp hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Sở Công Thương Hà Nội cũng xây dựng “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023” với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 4.075,3 tỷ đồng. Trong chương trình này, Sở đề xuất hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào cụm công nghiệp, nhà điều hành... cho 56 cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư với khoảng 1.562,7 tỷ đồng.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với 159 cụm công nghiệp có tổng diện tích khoảng 3.204,31ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đang xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện Kế hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2020 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể trình UBND thành phố ban hành để tiếp lực cho làng nghề.

Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đang cần mặt bằng phát triển sản xuất không phải mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận hoặc bó hẹp sản xuất trong khuôn khổ hiện tại. Việc có thêm nhiều cụm công nghiệp mới ra đời cũng sẽ giúp giải bài toán bảo vệ môi trường làng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang tới.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/961256/cu-hich-cho-lang-nghe-but-pha