'Cú hích' đưa xe đạp 'lên ngôi' ở Paris
Chính quyền vùng Paris và phụ cận để kích thích người dân mua xe đạp trợ điện, ban đầu thông báo kể từ tháng 1/2020 hỗ trợ tối đa 500 euro cho những ai muốn mua xe đạp trợ điện, nay tranh thủ đợt đình công cuối năm 2019 cho triển khai luôn kế hoạch trợ giá. Người dân cũng 'chớp luôn cơ hội' để mua xe.
Thủ đô Paris của Pháp vốn nổi tiếng là thành phố có hệ thống giao thông công cộng lâu đời, dày đặc, hiện đại và thuận tiện bậc nhất thế giới. Nhưng từ vài năm gần đây, với tham vọng đưa Paris “sánh vai” với các thành phố hàng đầu thế giới về xe đạp, đô trưởng Paris Anne Hidalgo tập trung vào quy hoạch các tuyến đường dành riêng cho xe đạp.
Từ đầu tháng 12/2019, các nghiệp đoàn (CGT, FO, CFE-CGS, FSU) đường sắt (SNCF), giao thông công cộng, kêu gọi đình công trên quy mô toàn quốc để gây sức ép đối với Chính phủ, nhưng người dân mới là những nạn nhân trực tiếp vì không có phương tiện di chuyển, đi làm.
Họ khốn khổ đứng chờ dưới mưa gió, chen chúc, xô đẩy trong những chuyến tàu xe hiếm hoi. Không tàu, không xe buýt, họ buộc phải đi bộ nhiều cây số, đổ xô đến dịch vụ thuê chung xe trượt, xe đạp, xe máy, ô tô. Nhiều người phải ngủ lại tại nơi làm việc sau khi tan ca muộn, thậm chí chủ một số cửa hàng cà phê, khách sạn phải thuê phòng cho nhân viên ở lại Paris.
Thời gian đi lại mất gấp đôi, gấp ba trong những ngày đình công so với thường lệ. Tỉ lệ tai nạn tại Paris, chủ yếu với xe hai bánh đã tăng 40% kể từ đầu mùa đình công. Hai lần đỉnh điểm vào đầu tháng 12/2019, các ngả đường vào Paris bị tắc hơn 600km.
Phong trào đình công từ ngày 5/12/2019 của ngành giao thông công cộng Paris, khiến hệ thống tàu xe gần như tê liệt, dù làm nhịp sống của nhiều người dân bị đảo lộn, nhưng dường như lại là “cú hích” đưa người dân đến gần với xe đạp, phương tiện giao thông “xanh”, thân thiện môi trường.
“Ngôi sao mới nổi” trên đường phố Paris
Nhiều nhà kinh doanh xe đạp ở Paris có chung nhận xét là chưa bao giờ lại có nhiều người đạp xe ở Paris đến như vậy. Nếu trước đây, trên nhiều đường phố, làn đường dành riêng cho xe đạp rất vắng vẻ thì nay nườm nượp người xe. Người dân Paris, vốn quen với nhịp sống “métro-boulot-dodo” (đi metro, làm việc, rồi về ngủ), nay tàu không nhiều, xe bus cũng hiếm, nhiều người đã chuyển sang đi xe đạp.
Ông Mathieu, chủ cửa hàng xe đạp Ecox, quận 9 Paris, chia sẻ là khách đông đến mức ông không còn xe mà cho thuê. Trong khi đó, ông Alexis Frémeaux, Chủ tịch Hiệp hội Mieux Se Déplacer à Bicyclette (MDB) khẳng định trên một số tuyến đường, lượng xe đạp tăng gấp 2,5 lần so với thường lệ.
Riêng đối với Vélib’, dịch vụ cho thuê xe đạp nổi tiếng ở Paris, số cuốc xe trong 12 ngày kể từ đầu đợt đình công đạt hơn 1,5 triệu, một con số cao chưa từng có. Riêng ngày 8/12, số lượt thuê xe đạp của hãng Jump tăng vọt 260%.
Ông Antoine Laporte Weywada, phụ trách Géovélo, một ứng dụng cho phép người đi xe đạp tra cứu và đi theo những lộ trình an toàn và nhanh nhất, cho biết số cuốc xe được thực hiện ở Paris theo lộ trình tra cứu trên ứng dụng tăng 211%.
Còn theo đo lường của TP Paris, trên đại lộ Voltaire ở phía đông thủ đô, quận 11, dài gần 3km, nối từ quảng trường République đến quảng trường Nation, vào giờ cao điểm, trong những ngày đình công, lượng xe đạp trên đại lộ nhiều gấp đôi lượng xe hơi.
Tháng cuối năm là mùa làm ăn của giới tiểu thương nhưng năm 2019 đình công đã khiến họ làm ăn thất bát; ngược lại giới kinh doanh, cho thuê xe đạp thường vắng khách vào mùa cuối năm thì năm 2019 phong trào đình công lại trao cho họ “cơ hội vàng”.
Vốn thường quen cho du khách thuê xe đạp dạo thăm phố xá trong một vài giờ, nay nhiều cửa hiệu có những vị khách mới là chủ doanh nghiệp tới thuê vài chục xe trong thời gian không xác định, cho đến khi nào phong trào đình công chấm dứt.
Chẳng hạn, sau khi các nghiệp đoàn ngành giao thông công cộng Paris thông báo đình công vào ngày 5/12, ông Victor Dugain, chủ tiệm xe đạp Paris à vélo, c’est sympa, nhận được một cú điện thoại từ lãnh đạo một công ty để thuê 30 chiếc xe đạp cho các nhân viên kinh doanh để họ đi làm hàng ngày và đi giao dịch với khách hàng.
Ông dự báo doanh thu sẽ tăng gấp 10 lần “nhờ” phong trào đình công. Ông Alexis, người sáng lập Cyclofix, dịch vụ sửa chữa xe đạp, thì phấn khởi vì hoạt động của Cyclofix cũng “nhảy vọt” gấp ba lần so với trước đây.
Ông Michael, giám đốc thương mại của hãng Altermove, hài lòng khi số xe đạp trợ điện mà công ty bán ra tăng 80%. Chính quyền vùng Paris và phụ cận, để kích thích người dân mua xe đạp trợ điện, ban đầu thông báo kể từ tháng 1/2020 hỗ trợ tối đa 500 euro cho những ai muốn mua xe đạp trợ điện, nay tranh thủ đợt đình công cuối năm 2019 cho triển khai luôn kế hoạch trợ giá. Người dân cũng “chớp luôn cơ hội” để mua xe.
Nỗ lực của Paris
Một số chủ cửa hàng bán, cho thuê và sửa chữa xe đạp cho biết rất nhiều người trong số các khách hàng mới ban đầu chọn xe đạp như giải pháp tạm thời, nhưng sau những trải nghiệm đi xe đạp trong Paris thì hào hứng chia sẻ là họ sẽ tiếp tục đi xe đạp lâu dài.
Phong trào đình công tình cờ đã cho họ thấy đạp xe hàng ngày trong Paris, tận hưởng khí trời, ánh sáng tự nhiên và cảm nhận nhịp sống xung quanh có lẽ dễ chịu hơn rất nhiều so với việc phải chen chúc trong các con tàu dưới đường hầm sâu hun hút trong lòng đất. Thời gian đi lại bằng xe đạp cũng không quá lâu nếu so với các phương tiện khác.
Mặc dù dự báo sau đình công, lượng người đi xe đạp vẫn sẽ tăng so với trước đây, nhưng các chuyên gia về quy hoạch và đại diện của nhiều hiệp hội người đi xe đạp cũng lưu ý để tiếp tục thu hút thêm được nhiều người dân và níu chân họ lâu dài trên các đường đi xe đạp, Paris hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Chẳng hạn, các nhà quy hoạch phải khắc phục việc làn đường dành cho xe đạp không liên tục, một số lối đi dành riêng cho xe đạp đột ngột bị ngắt quãng, việc phân làn chuyển làn ở nhiều ngã tư, quảng trường lớn chưa hợp lý, có thể gây nguy hiểm cho người đạp xe, đặc biệt ở rất nhiều khu vực đông đúc, những “điểm đen” chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp.
Một quan chức chính quyền Paris thừa nhận TP mới thực hiện được 30% mục tiêu đã đề ra vào năm 2015 trong “kế hoạch xe đạp năm năm”. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì cũng không thể phủ nhận những nỗ lực vượt bậc của chính quyền TP dưới quyền đô trưởng Anne Hidalgo, nhất là trong hai năm gần đây.
Khoảng 1.000km đường đã được quy hoạch dành riêng cho xe đạp. Nhờ thế mà số xe đạp lưu thông trong thành phố đã tăng 54% từ tháng 9/2018-9/2019. Chỉ tính riêng năm 2019, Paris đã chi hơn 70 triệu euro xây đường mới dành riêng cho người đi xe đạp và các bãi để xe.
Gần một tháng cuối năm 2019 là dịp để người dân thấy những tiến bộ mà Paris đã đạt được. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quy hoạch của TP nhìn nhận những điểm tích cực, những điểm cần còn hạn chế để tiến tới hoàn thành “cuộc cách mạng xe đạp”, đưa Paris lên tầm “thủ phủ thế giới về xe đạp” như các thành phố Amsterdam (Hà Lan) và Copenhagen (Đan Mạch).
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/cu-hich-dua-xe-dap-len-ngoi-o-paris-490739.html