'Cú hích' làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Định Quán

Định Quán là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh trọng tâm, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, nhân rộng các điển hình, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII của huyện Định Quán xác định tập trung 4 đột phá trong các lĩnh vực gồm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, cải cách hành chính và giải quyết việc làm. Trong đó, huyện tập trung sản suất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp vẫn là trọng tâm

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Định Quán đã xây dựng Đề án định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện toàn diện, qua đó đã xây dựng được một số mô hình điểm về liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Định Quán Trần Bá Đạt cho hay, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện đã huy động tổng lực đầu tư cho các công trình giao thông nông thôn, trạm bơm nước và các dự án phục vụ nông nghiệp; quy hoạch trên 225 ha đất cho vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện cũng tổ chức hỗ trợ gần 1.100 hộ chuyển đổi cây trồng trên gần 1.000 ha diện tích với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng; xây dựng 34 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn; 27 chuỗi liên kết sản xuất…

Nông nghiệp vẫn là trọng tâm để huyện Định Quán nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: Ngọc Liên/BĐN).

Nông nghiệp vẫn là trọng tâm để huyện Định Quán nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: Ngọc Liên/BĐN).

Sự nỗ lực của ngành nông nghiệp huyện Định Quán chính là động lực để các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đơn cử như ở Phú Vinh, một xã miền núi còn nhiều khó khăn với trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số là người Hoa.

Những năm qua, xã Phú Vinh thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện về mọi mặt để đồng bào dân tộc thiểu số an tâm đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng kinh tế xã hội tại địa phương.

Kết quả, nhiều nông dân (trong đó có đồng bào dân tộc Hoa) ở Phú Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh đối với một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Xoài xanh Đài Loan trên 110ha, cây trái có múi trên 127ha (bưởi, quýt, cam), cà phê trên 166ha, cây điều trên 1.071ha.

Đáng chú ý, trong xã còn có HTX nông nghiệp Phú Vinh đang hoạt động khá ổn định, giúp nâng cao đời sống cho các lao động ở địa phương. Nhiều diện tích các loại cây trồng cằn cỗi, vườn tạp trong xã đã được bà con nông dân thay thế dần bằng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong xã hiện có nhiều mô hình hiệu quả như mô hình nuôi gà trống thiến dưới tán cây bưởi, tán cây tiêu; mô hình chuyển đổi cây trồng từ cây điều, tiêu, cà phê năng suất thấp sang cây bưởi, mít; phát triển nhà nuôi chim yến…

Đa dạng sinh kế cho người dân

Cùng với Phú Vinh, Phú Lợi cũng là một trong những địa phương có đông đồng bào người Hoa sinh sống. Anh Trần Bắc Xính, dân tộc Hoa, là nông dân giỏi nhiều năm liền với các loại cây trồng luôn cho thu hoạch năng suất cao như cây điều (2,8 tấn/ha), cà phê (2,5 tấn/ha), mít Thái (30 tấn/ha) cho biết: “Ngoài ra, gia đình tôi còn kinh doanh thêm các loại cây giống, cung cấp cây giống có chất lượng cao cho bà con quanh vùng. Từ các khoản thu nhập này, mỗi năm gia đình tôi có tổng thu nhập gần 650 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”.

Đặc biệt, trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân huyện Định Quán phát động, anh Xính luôn là người đi đầu thực hiện. Đồng thời, anh còn tham gia giúp đỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, chỉ dẫn cho họ canh tác cây trồng đạt năng suất cao.

Định Quán định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Ngọc Liên/BĐN).

Định Quán định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Ngọc Liên/BĐN).

Không chỉ có sản xuất nông nghiệp đơn thuần, những năm qua, huyện Định Quán còn chủ động phát triển thêm nhiều ngành nghề mới nhằm đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Trong đó, tiểu thủ công nghiệp là một trong những lĩnh vực tạo việc làm nhiều nhất cho người lao động của huyện. Ở nhiều địa phương, các HTX trở thành cầu nối hỗ trợ người dân học nghề và làm nghề, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng kinh tế xã hội.

Điển hình, HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán tại ấp 2 xã Phú Ngọc đang là mô hình kinh tế tiên phong trong việc đưa nghề về địa phương. Hoạt động chủ lực của HTX là sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công thân thiện môi trường từ lục bình, mây, tre, cói…

Đến nay, HTX Định Quán đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại xã Phú Ngọc và các xã lân cận, trong đó không ít lao động là người dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, không chỉ tạo việc làm trực tiếp, HTX đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề mây tre đan cho hơn 1.000 lao động nông nhàn, lao động người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa như La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, Phú Hòa, Gia Canh…

Hướng tới phát triển bền vững

Cùng với thủ công nghiệp, huyện Định Quán cũng đang tích cực phát triển du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp. Từ Nghị quyết 04-NQ/TU của tỉnh, Huyện ủy Định Quán đã ban hành Kế hoạch số 101-KH/HU chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04, chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa từng mốc thời gian thực hiện

Đến nay, huyện đã quy hoạch được 11 điểm du lịch. Bên cạnh một số điểm du lịch chính thức được khai thác như: Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi, Thác Ba Giọt…, còn một số điểm riêng lẻ, kinh doanh du lịch theo hộ gia đình cũng thu hút được một số lượng lớn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng năm 2022, lượng khách đến địa phương đạt khoảng 370 ngàn lượt, doanh thu ước đạt 37 tỷ đồng (trong khi trước đó, cả nhiệm kỳ 2015-2020, du lịch huyện chỉ đạt 65 tỷ đồng)…

Nhờ sự phát triển đồng bộ từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái…, diện mạo nông nghiệp nông thôn huyện Định Quán đã có sự thay đổi toàn diện. Huyện Định Quán đã đạt 30/38 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao và đang quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương nhằm tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; quản lý tốt tài nguyên môi trường sinh thái; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao mức sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; giảm nghèo bền vững.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/apos-cu-hich-apos-lam-giau-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-dinh-quan-1093791.html