Cú hích mới cho du lịch rừng và biển từ chiến lược liên kết hiệu quả
Việc liên kết phát triển du lịch giữa 5 thành phố các tỉnh Tây Nguyên và Tuy Hòa đã làm thay đổi diện mạo các khu, điểm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp cho kinh tế địa phương.
Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Ngày 24/4, tại Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra Hội nghị tổng kết quá trình hợp tác phát triển du lịch giữa Tp.Buôn Ma Thuột – Pleiku – Kon Tum – Gia Nghĩa – Tuy Hòa năm 2025.
Tp.Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa và Tp.Tuy Hòa là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế xã hội của các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú yên. Ngoài vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh, các thành phố này còn có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch với nhiều vùng trong cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết quá trình hợp tác phát triển du lịch giữa Tp.Buôn Ma Thuột – Pleiku – Kon Tum – Gia Nghĩa – Tuy Hòa năm 2025.
Nhiều tuyến du lịch lớn được hình thành như: "Con đường di sản miền trung", "Con đường xanh Tây Nguyên". Các địa phương cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch. Đây cũng là những vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, truyền thống đấu tranh giữ nước anh hùng,...
Xuất phát từ những tiềm năng đó, ngày 25/6/2022, tại Tp.Pleiku, các thành phố thuộc các tỉnh Tây Nguyên và Tuy Hòa đã có Biên bản ghi nhớ chương trình liên kết phát triển du lịch giữa 5 thành phố.
Quá trình thực hiện Biên bản ghi nhớ chương trình liên kết phát triển du lịch giữa 5 thành phố đã mở ra cơ hội cho các công ty, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn các thành phố tích cực mở các tour, tuyến du lịch mới. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác tour liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn thành phố với các điểm du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Hằng năm, các thành phố cùng trao đổi xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch chung với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi; hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu về hình ảnh, sản phẩm du lịch của 5 thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức các đoàn khảo sát để quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch của các địa phương; hỗ trợ trong việc xây dựng hình ảnh du lịch, làm cơ sở cho công tác tiếp thị điểm đến.

Việc liên kết phát triển du lịch giữa 5 thành phố góp phần phát huy thế mạnh, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo.
Từ năm 2022-2024, hoạt động xúc tiến du lịch đã có những bước chuyển biến rõ nét. Năm 2022, từ 12 tour/tuyến kết nối khai thác du lịch với các thành phố trong hệ thống, đến năm 2024, đã có trên 30 tour, tuyến kết nối du lịch đến các thành phố ở Tây nguyên và thành phố Tuy Hòa. Tỉ lệ thu hút du lịch giữa các thành phố ở Tây Nguyên và Tp.Tuy Hòa giai đoạn 2022-2024 chiếm khoảng từ 6-10% lượt khách du lịch hằng năm.
Việc thực hiện biên bản ghi nhớ nói trên cũng góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch địa phương. Theo đó, các thành phố đã triển khai thực hiện tốt dự án "bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch".
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng được các thành phố quan tâm. Trong những năm qua, một số buôn, làng của các thành phố đã được UBND tỉnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Để phát triển các sản phẩm OCOP, các thành phố đã chỉ đạo phòng ban, UBND các phường, xã cùng với đơn vị tư vấn thường xuyên hướng dẫn các chủ thể thực hiện 6 bước về chu trình OCOP. Các sản phẩm OCOP của thành phố đang dần khẳng định thương hiệu, chất lượng...

Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại hội nghị.
Doanh thu từ du lịch bứt phá qua từng năm
Cùng với những kết quả trên, ông Nguyễn Thế Hậu, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, trong những năm gần đây, với nhiều sự kiện được tổ chức như: kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành lập thành phố, các lễ hội lớn… Nhờ vậy, du lịch của các thành phố đã có bước phát triển và dần trở thành một điểm đến hấp dẫn. Số lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng trưởng hằng năm.
Cụ thể, tại Tp.Pleiku, năm 2021, đón gần 248.000 lượt khách, doanh thu đạt 136 tỷ đồng; năm 2022 đón 625.570 lượt khách, doanh thu đạt 447,68 tỷ đồng; năm 2023 đón hơn 825.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 625,18 tỷ đồng; năm 2024 đón hơn 1 triệu lượt du khách.

Ông Nguyễn Thế Hậu, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin Tp.Buôn Ma Thuột thông tin về kết quả 3 năm kết nối du lịch giữa 5 thành phố.
Tp.Kon Tum, năm 2022 đón 345.120 lượt khách; năm 2023 đón 547.064 lượt khách; năm 2024 đón 900.000 lượt khách.
Tp.Tuy Hòa, năm 2022 đón 1.870.000 lượt khách, doanh thu đạt 2.270 tỷ đồng; năm 2023 đón 2.720.000 lượt khách, doanh thu 3.890 tỷ đồng; năm 2024, đón 3.468.000 lượt khách, doanh thu 6.500 tỷ đồng; Quý I năm 2025, đón 1.025.000 lượt khách, doanh thu 2.075 tỷ đồng.
Tp.Gia Nghĩa, năm 2022 đón 21.415 lượt khách, doanh thu 5,922 tỷ đồng; năm 2023 đón 37.078 lượt khách, doanh thu 14,487 tỷ đồng; năm 2024 đón 157.597 lượt khách, doanh thu đạt 46,647 tỷ đồng.
Còn tại Tp.Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2021-2023, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.781.6 tỷ đồng; tổng lượt khách đón tiếp ước đạt là 2.167.160 lượt khách; năm 2024, tổng thu từ du lịch ước đạt 920 tỷ đồng, tổng số khách đón tiếp ước đạt 1.094.400 lượt khách. Quý I, năm 2025, tổng lượt khách du lịch đến Tp.Buôn Ma Thuột ước đạt 528.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 500,8 tỷ đồng.

Số lượng khách và doanh thu từ du lịch của các thành phố tăng trưởng hằng năm.
Hội nghị còn được lắng nghe nhiều đề xuất của doanh nghiệp để sự liên kết phát triển du lịch không chỉ trong 5 thành phố mà còn cả với các thành phố duyên hải miền Trung đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Trần Thị Bích Liên, Thư ký Hội doanh nghiệp Tp.Tuy Hòa, cho hay, để các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ngày càng hiệu quả hơn, bà Trần Thị Bích Liên kiến nghị, duy trì thường niên các hội chợ liên kết vùng giữa các thành phố kết nghĩa và tỉnh Phú Yên, luân phiên đăng cai tổ chức. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất về chi phí gian hàng, vận chuyển, quảng bá truyền thông; đẩy mạnh số hóa sản phẩm OCOP, xây dựng gian hàng ảo, livestream bán hàng kết nối giữa các địa phương.
Tổ chức chương trình kết nối giao thương – hội nghị kết nối cung cầu trong khuôn khổ hội chợ; lồng ghép quảng bá du lịch và đặc sản vùng miền, phát triển chuỗi giá trị du lịch, thương mại, ẩm thực.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.Buôn Ma Thuột, phát biểu tại hội nghị.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, thông qua việc thực hiện bản ghi nhớ đã giúp cho việc kết nối, giới thiệu sản phẩm du lịch của các thành phố các tỉnh Tây Nguyên và Tuy Hòa có sự thay đổi rất tích cực. Người dân, du khách ở trong nước và các tỉnh Tây Nguyên cũng như khách quốc tế đã biết đến địa danh, địa điểm các khu du lịch của các tỉnh, thành phố. Lượng du khách đến các thành phố so với những năm chưa ký kết biên bản ghi nhớ tăng khoảng 30%. Từ đó, đem lại nhiều việc làm, đặc biệt đã tạo ra cơ hội phát hiện du lịch, cũng như tăng thu nhập cho người dân, kể cả các doanh nghiệp kinh doanh về các sản phẩm du lịch.
"Năm 2025, trong đợt này, chúng tôi tổ chức tổng kết, đánh giá, rút ra những kinh nghiệm hay, cách làm mới để tổng kết, truyền tải lại cho các đơn vị, địa phương sau này triển khai thực hiện", ông Phạm Tiến Hưng nhấn mạnh.