'Cú huých' cho chuỗi liên kết atiso
Trong số 47 hồ sơ sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố được Hội đồng OCOP tỉnh phân hạng toàn tỉnh có 2 sản phẩm xếp loại 5 sao chính là Trà Nhất Diệp Nguyên Hương và Ladoactiso Cao ống của Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar Lâm Đồng (Cty Ladophar). Đây sẽ là 'cú huých' cho những người tham gia vào chuỗi liên kết atiso.
Từ nguồn dược liệu “vàng”
Theo ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đánh giá, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng cây dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Tại nhiều xã, cây dược liệu atiso không những đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo mà còn đang giúp nhiều gia đình trong huyện Lạc Dương có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.
Chính vì vậy, cây atiso từ chỗ được bà con trong huyện trồng rải rác với diện tích khoảng 10 ha thì đến nay, nhờ chính sách liên kết phát triển trồng cây dược liệu mà diện tích atiso đã tăng lên gần 100 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Đa Nhim, Đa Sar, Đa Chais, xã Lát. Bên cạnh đó, UBND huyện đã tìm đơn vị và đứng ra làm trung gian trong chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ atiso giữa người dân trong huyện với Cty Ladophar.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 184 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ atiso trên diện tích 27,3 ha với Cty Ladophar. Khi tham gia liên kết, các hộ dân đều được ký hợp đồng thu mua đảm bảo đầu ra cho sản lượng thu hoạch. Hàng tuần, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật của Cty Ladophar đều sát cánh cùng bà con kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn chăm sóc cây, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch.
Là người trực tiếp theo dõi, đồng hành với chuỗi liên kết, ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Lạc Dương là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn thấp. Chính vì vậy, để hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn GACP - WHO, cán bộ công ty không chỉ tập huấn cho bà con trên lớp mà còn chú trọng việc hướng dẫn trực tiếp cho 200 hộ dân ngay trên đầu bờ.
“Theo tính toán, khi trồng loại cây này người dân cần đầu tư khoảng 30 triệu đồng/1.000 m2, trong khi đó có thể bán lá, thân và hoa nên lợi nhuận khá cao từ khoảng 80 - 90 triệu đồng/1.000 m2” - ông Hải cho hay.
Đến sản phẩm OCOP 5 sao
Bà Huỳnh Lê Thục Cơ - phụ trách bộ phận phát triển vùng nguyên liệu dược liệu Cty Ladophar cho biết: Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu atiso, công ty hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn GACP - WHO để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, bền vững. Ngoài đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát quy trình phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lá atiso còn phải qua kiểm nghiệm hoạt chất.
Để có nguồn nguyên liệu sạch, công ty cùng với người dân đã tập trung nguồn lực đầu tư chăm sóc các vườn atiso theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng. Nguồn nguyên liệu sạch, đạt chất lượng là tiền đề quan trọng cho công ty phát triển, nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm đạt chất lượng cao đạt thương hiệu 5 sao.
Nhất Diệp Nguyên Hương tuyệt phẩm trà atiso thể hiện một cách tinh tế giá trị tinh hoa dược liệu Đà Lạt. Từ 40 kg lá mới làm ra 10 kg phiến lá, từ 10 kg phiến lá này mới làm ra được 1 kg trà thành phẩm. Chính vì vậy, từng tách trà Nhất Diệp Nguyên Hương chứa đựng trọn vẹn hương thơm thanh mát tự nhiên cùng vị đắng ngọt dịu nhẹ của atiso, hỗ trợ tăng cường chức năng gan, mật và cải thiện tiêu hóa một cách hoàn toàn tự nhiên.
Còn sản phẩm Ladoactiso Cao ống (không đường) là sản phẩm cao atiso dạng nước, giữ nguyên những đặc tính quý giá vốn có của cây atiso tươi, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hiện, hai sản phẩm OCOP đạt 5 sao này đang từng bước khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời cũng đang được Hội đồng OCOP tỉnh đề xuất lên UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá phân hạng là sản phẩm OCOP Quốc gia.
Từ chuỗi liên kết atiso OCOP đạt chuẩn 5 sao giữa Cty Ladophar với người dân cho thấy, nếu xây dựng tốt các chuỗi liên kết trong sản xuất chính là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, người nông dân yên tâm đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/cu-huych-cho-chuoi-lien-ket-atiso-3013010/