'Cú huých' giúp người nghèo vượt khó - Bài cuối

BÀI CUỐI: TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã trở thành “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. TDCSXH góp phần quan trọng thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4%/năm trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 4%/năm trở lên; phấn đấu 2 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; trên 20% xã, xóm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và từ nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục tạo thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có điều kiện tiếp cận để phát triển kinh tế.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nguyên Bình Lương Thanh Hiếu cho biết: Để nguồn vốn tín dụng kịp thời đến người thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, Phòng Giao dịch tăng cường công tác tham mưu để thu hút nguồn vốn thực hiện TDCSXH. Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị có liên quan, hằng năm tham mưu HĐND, UBND huyện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện để cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến nay, ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH 4.069 triệu đồng (cả lãi nhập gốc). Năm 2024, UBND huyện chuyển nguồn ngân sách địa phương 1 tỷ 509 triệu đồng (cả lãi nhập gốc), đạt 125% kế hoạch giao, tăng 3 tỷ 018 triệu đồng so với năm 2016.

Ứng dụng ngân hàng số trong hoạt động tín dụng chính sách.

Ứng dụng ngân hàng số trong hoạt động tín dụng chính sách.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Hòa Đinh Phan Tuân, năm 2024, Phòng Giao dịch tích cực tham mưu huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH từ ngân sách địa phương để đảm bảo mọi người dân trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Để quản lý nguồn vốn, NHCSXH thường xuyên phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương, Ban Quan lý tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát. Kịp thời hỗ trợ các xã, thị trấn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn, với mục tiêu cùng địa phương tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCSXH đặc thù, Phòng Giao dịch chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động TDCSXH, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư bằng các chính sách, giải pháp cụ thể từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương, đơn vị. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến TDCSXH trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Đề án hỗ trợ nguồn vốn giải quyết việc làm từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH” để thực hiện việc cho vay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 30/7/2021 “Về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH”. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn của người dân.

Cán bộ tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Cán bộ tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phối hợp thực hiện TDCSXH. Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động TDCSXH; tập hợp lực lượng, chú trọng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của NHCSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện gắn đầu tư TDCSXH với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ số, kết nối thị trường gắn với hoạt động vay vốn, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đặng Trung Hồng nhấn mạnh: Hướng đến bảo đảm TDCSXH phát triển theo hướng ổn định, bền vững, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của các điểm giao dịch ở xã, phường, thị trấn; rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn TDCSXH đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tăng cường huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh bổ sung vào nguồn vốn tín dụng chính sách, phấn đấu tăng trưởng bình quân hằng năm 8 - 10%, tổng dư nợ TDCSXH đến năm 2030 đạt trên 7.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm khoảng 20 - 25%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách theo mục tiêu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra.

Bài 1: Khi chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống

Bài 2: Không để người nghèo và các đối tượng chính sách “bị bỏ lại phía sau”

Kim Thoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cu-huych-giup-nguoi-ngheo-vuot-kho-bai-cuoi-3170956.html