Cú huých ngắn hạn khi Trung Quốc bơm 150 tỷ USD vào nền kinh tế
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có thể thúc đẩy tâm lý thị trường và cổ phiếu của một số ngành sẽ hưởng lợi.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)
Có người thắng, kẻ thua
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoBC) cuối tuần trước cho biết cơ quan này sẽ hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7. Động thái này được kỳ vọng "giải phóng" khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 154 tỷ USD) thanh khoản dài hạn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dự trữ bắt buộc thể hiện số tiền mà các ngân hàng phải nắm giữ ở một tỷ lệ nhất định so với tổng số tiền gửi. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng cung tiền mà các ngân hàng có thể cho doanh nghiệp và cá nhân vay.
"Chúng tôi cho rằng việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trên diện rộng lần này có thể thúc đẩy tâm lý thị trường trong ngắn hạn và cải thiện tính thanh khoản của thị trường chứng khoán", Lei Meng và Eric Lin, hai nhà phân tích của UBS nói.
Trong ngắn hạn, động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc sẽ có lợi cho những lĩnh vực "nhạy cảm" với thanh khoản, đơn cử như hàng không vũ trụ và quốc phòng, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông.
Ngoài ra, các chuyên gia UBS cũng dự đoán những công ty với dự báo lợi nhuận tăng cao cũng có thể trở nên vượt trội, chẳng hạn như các công ty hoạt động trong lĩnh vực xe điện, pin, và năng lượng mới.
Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường có thể diễn ra trong thời gian ngắn do lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, các chuyên gia UBS cảnh báo.
"Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở một mức độ nào đó đã làm tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư chứng khoán rằng sự phục hồi kinh tế trong quý II và quý III/2021 có thể không tốt như thị trường mong đợi", các chuyên gia UBS nhận định.
"Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp không có sự chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ, thanh khoản bổ sung (thông qua giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ) sẽ không thể thúc đẩy thị trường phục hồi bền vững".
Theo quan sát của UBS, các nhà đầu tư đang lo lắng về tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý II và quý III/2021 suy yếu và điều này đè nặng lên các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, và tiêu dùng.
Xoa dịu tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp
Hơn nữa, các nhà phân tích tin rằng động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cuối tuần qua cũng báo hiệu rằng nước này đã lường được những rủi ro đối với tăng trưởng.
"Đó là một tín hiệu, mang tính thông điệp rằng các nhà chức trách đang chú ý và cảnh giác về khả năng xảy ra rủi ro suy thoái", Andrew Tilton, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Goldman Sachs bình luận.
Còn các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định: "Động thái này (Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc) ước tính sẽ bơm 1.000 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế, là sự nhận thức về những tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp, sự ổn định tài chính và tăng trưởng".
Mặt khác, Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho đánh giá, động thái vừa qua lại không làm lu mờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vốn được thực hiện dựa trên việc mạnh tay nới lỏng.
Ông Varathan cho biết Trung Quốc đang tập trung cho việc điều chỉnh tín dụng nhằm hạn chế tín dụng chảy cho các lĩnh vực bong bóng hoặc đầu cơ, đồng thời tăng cường tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo chuyên gia này, nền tảng trong những tính toán chính sách của Bắc Kinh vẫn là giảm thiểu tích tụ những rủi ro tài chính.