Cù lao Chàm - hòn đảo nói không với túi ni lông

Là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Khu bảo tồn biển quốc gia, Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, xanh tươi, hệ động-thực vật phong phú.

Hòn đảo này còn được mệnh danh là “đảo không túi ni lông” nhờ nỗ lực và thành quả đạt được trong việc làm giảm, hướng đến cắt giảm hoàn toàn việc sử dụng túi ni lông trong giao thương và sinh hoạt hằng ngày.

Nằm ngay trên con đường chính dẫn từ cầu cảng lên đảo Cù lao Chàm, chợ Tân Hiệp tấp nập người mua, kẻ bán. Đặt chân đến đảo, du khách dễ gặp hình ảnh các bà, các chị mang giỏ nhựa, đội nón lá ra vào chợ. Đối với nhiều người, hình ảnh này dường như chỉ còn trong ký ức của hàng chục năm về trước, nay đã là điều xa xỉ kể từ khi sự gọn, nhẹ, tiện lợi của túi ni lông “lên ngôi”. Nhưng ở Cù lao Chàm, đây là thói quen trong nếp sống thường nhật của người dân. Không chỉ mang giỏ nhựa đi chợ, mọi hoạt động giao thương, buôn bán tại đảo đều không sử dụng đến túi ni lông. Bó rau, chùm nho hay nắm ớt, tỏi đều được đựng trong những chiếc túi lưới nhỏ xinh, có thể tái sử dụng nhiều lần.

 Tiểu thương chợ Tân Hiệp sử dụng túi lưới, giấy để gói hàng hóa.

Tiểu thương chợ Tân Hiệp sử dụng túi lưới, giấy để gói hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương chợ Tân Hiệp cho biết: “Ban đầu, khi chính quyền có chủ trương làm giảm, hướng tới không dùng túi ni lông, chúng tôi cũng e ngại vì không quen và hơi bất tiện. Nhưng sau thời gian thực hiện, thấy môi trường ở đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp, ai cũng vui mừng và quyết tâm không sử dụng túi ni lông vì nó khó phân hủy, dễ gây ô nhiễm môi trường”.

Không chỉ trong giao thương, buôn bán, mỗi người dân ở đảo Cù lao Chàm đều ý thức hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày. Sau khi đi chợ về, các túi lưới, túi vải bố đều được rửa sạch, phơi khô để tái sử dụng; còn lá chuối, vỏ trái cây, vỏ củ, quả, rau úng... được cho vào các can nhựa 5 lít để ủ làm phân bón cho cây. Thùng xốp, chai, can nhựa, lốp xe hỏng được tận dụng để xới đất, trồng rau, trồng hoa, phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch, hoa tươi trang trí trong gia đình. Trước mỗi ngôi nhà đều có thùng rác chia làm 3 ngăn: Rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. Người dân nơi đây đều nắm vững và thực hiện phân loại rác tại nguồn rất tự giác. Bởi sau khi được cán bộ xã, hội phụ nữ tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, ai cũng mong góp phần bảo vệ môi trường, làm cho hòn đảo thân yêu đẹp hơn.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp: Chương trình giảm và tiến đến không sử dụng túi ni lông được chính quyền xã phát động từ năm 2009, khi Cù lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Qua nhiều năm, mô hình này vẫn được duy trì thực hiện rất hiệu quả; mang dấu ấn riêng và gây tiếng vang lớn với thương hiệu hòn đảo duy nhất của cả nước không sử dụng túi ni lông. Để có được thành công đó, chính quyền, các đoàn thể của xã đảo Tân Hiệp đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về: Đặc điểm, tính chất, thời gian phân hủy của các loại rác để có cách phân loại, xử lý, tái chế rác khoa học, hợp lý; tác hại của việc sử dụng túi ni lông đối với môi trường, con người và sinh vật biển; lợi ích, ý nghĩa của việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường... “Mưa dầm thấm lâu”, khi đã tìm được tiếng nói chung, chính quyền địa phương chủ động làm trước, làm mẫu và hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người dân dễ hiểu, dễ làm theo. Sau đó, chính quyền và người dân cùng làm, cùng tập quen với lối sống mới, xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Đặc biệt, sau khi chương trình đi vào nền nếp, xã đảo đã cấp cho tất cả hộ dân, mỗi hộ một thùng rác có hướng dẫn phân loại cụ thể để xử lý rác hiệu quả, tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, khi đến xã đảo, không ít du khách trầm trồ trước cảnh quan xanh, sạch, đẹp của Cù lao Chàm. Chị Nguyễn Thị Bích Nga, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nghe bạn bè giới thiệu đã lâu, nay có dịp đến Cù lao Chàm, tôi thực sự thích thú vì nơi đây rất đẹp và sạch sẽ, thích nhất là những chiếc túi lưới nhỏ nhỏ, xinh xinh khi mua hàng trên đảo. Mô hình này rất hay và thân thiện với môi trường, cần được nhân rộng tại nhiều nơi khác”.

Chất lượng môi trường được nâng cao, thương hiệu “đảo không túi ni lông” và những đánh giá, phản hồi tích cực từ du khách gần xa trở thành niềm tự hào và động lực để chính quyền và nhân dân xã đảo Tân Hiệp tiếp tục nỗ lực, chung tay duy trì, phát huy hiệu quả của chương trình ý nghĩa này. Thời gian tới, Cù lao Chàm sẽ hướng tới việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của chương trình: Giảm và tiến đến không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm góp phần giữ gìn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường xã đảo xanh, sạch, đẹp.

Bài và ảnh: THANH THÚY - THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cu-lao-cham-hon-dao-noi-khong-voi-tui-ni-long-634840