Chùa Hương Tích - ngôi chùa thiêng giữa đại ngàn

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Hoan Châu

Chùa Hương Tích tọa lạc trên vị trí đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh với xung quanh là không gian thiên nhiên xanh mát hữu tình, từ lâu nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh cực kỳ thu hút.

Chùa Hương Tích tọa lạc trên vị trí đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh.

Chùa Hương Tích tọa lạc trên vị trí đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh.

Nếu bạn đang muốn tìm về một nơi thanh tịnh, yên bình để thư giãn thì chùa Hương Tích chắc hẳn là địa điểm không thể tuyệt vời hơn.

Đôi nét về chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích còn có tên chữ là Hương Tích Cổ Tự, tên dân gian là chùa Thơm. Chùa tọa lạc tại đỉnh Hương Tích thuộc dãy núi Hồng Lĩnh tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, với độ cao 650m so với mực nước biển.

Chùa Hương Tích theo phái Phật Giáo Bắc Tông và đang thờ Quan Âm Bồ Tát. Chùa Hương Tích còn gắn liền với sự tích về công chúa Diệu Thiện được Thần Hổ che chở đưa đến núi Hồng Lĩnh dựng am tu hành rất nổi tiếng.

Theo tương truyền thì chùa Hương Tích được xây dựng vào thế kỷ 13, đến năm 1885 thì chùa bị hỏa hoạn lớn, đến năm 1901 thì được trùng tu lại. Năm 1936, chùa được vua Bảo Đại cho chạm khắc vào Anh Đỉnh - một trong 9 đỉnh đồng tại Đại Nội Huế.

Đến năm 1990, chùa Hương Tích được công nhận là Di tích văn hóa - thắng cảnh cấp Quốc gia. Chùa liên tiếp được trùng tu vào các năm 2003, 2006 và cho đến ngày nay.

Nên đến chùa Hương Tích vào thời gian nào?

Sở hữu không khí trong lành, mát mẻ nên du khách có thể đến thăm chùa Hương Tích vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bạn cần lưu ý là vào các dịp lễ hội, Tết thì lượng du khách đổ về chùa sẽ cực kỳ đông nên cần cân nhắc chọn thời điểm này. Giá vé để vào cổng chùa Hương Tích sẽ là 20.000 VNĐ/người, quầy bán vé được bố trí ngay tại cổng vào chùa.

Đến năm 1990, chùa Hương Tích được công nhận là Di tích văn hóa - thắng cảnh cấp Quốc gia.

Đến năm 1990, chùa Hương Tích được công nhận là Di tích văn hóa - thắng cảnh cấp Quốc gia.

Cách di chuyển đến chùa Hương Tích

Di chuyển từ tỉnh thành khác đến Hà Tĩnh

Để di chuyển đến thăm chùa Hương Tích, du khách ở các tỉnh xa có thể lựa chọn các loại phương tiện như:

Máy bay: Hiện nay Hà Tĩnh vẫn chưa có sân bay, tuy nhiên bạn có thể đặt vé máy bay đi Quảng Bình hoặc vé máy bay đi Vinh. Sau đó di chuyển ngược lên Hà Tĩnh bằng nhiều phương tiện như xe khách, tàu hỏa,...

Xe khách: Các bạn xuất phát từ các tỉnh gần hơn thì có thể lựa chọn xe khách, xe giường nằm. Giá vé xe khách từ Hà Nội đi Hà Tĩnh chỉ tầm khoảng 250.000 VNĐ/lượt, từ Sài Gòn cũng có tuyến xe khách đến Hà Tĩnh nhưng tốn rất nhiều thời gian và chi phí lên đến hơn 600.000 VNĐ/lượt.

Tàu hỏa: Các bạn thích trải nghiệm ngắm cảnh thì nên chọn tàu hỏa, từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đều mua được vé tàu hỏa đi Vinh. Tuyến Hà Nội - Vinh sẽ khoảng từ 250.000 - 600.000 VNĐ, tuyến Sài Gòn - Vinh sẽ khoảng 700.000 - 1.200.000 VNĐ.

Ngoài ra các bạn trẻ yêu thích đi phượt có thể lựa chọn xe máy, tuy nhiên các bạn nên đảm bảo sức khỏe và kiểm tra độ an toàn của xe thật kỹ lưỡng trước khi khởi hành.

Cáp treo chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh được nhiều du khách lựa chọn.

Cáp treo chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh được nhiều du khách lựa chọn.

Di chuyển từ trung tâm thành phố đến chùa Hương Tích

Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, bạn chỉ cần đi theo hướng Quốc lộ 1A khoảng chừng 20km là đến thị trấn Nghèn tại huyện Can Lộc, chạy thêm 7km là sẽ gặp núi Hồng Lĩnh. Khi di chuyển thì chọn xe máy, taxi đều được. Khi đã đến chân núi Hồng Lĩnh, bạn sẽ có 3 cách để lựa chọn: Đầu tiên là đi bộ theo triền núi đến miếu Linh Sơn, rồi tiếp tục đi bộ để lên chùa chính. Quãng đường lên chùa Hương Tích sẽ dài khoảng 3km và có phong cảnh rất đẹp.

Cách thứ 2 là bạn có thể chọn đi cáp treo từ miếu Cô để lên thẳng đền Thượng, cách này khá nhanh khi chỉ mất có 4 phút là đến nơi. Giá vé cáp treo sẽ là 120.000 VNĐ/chiều và 160.000 VNĐ/2 chiều.

Và cách thứ 3 sẽ là đi bằng thuyền, thuyền sẽ xuất phát từ miếu Linh Sơn đến dọc theo hồ Nhà Đường với quãng đường là 1,5km để đến miếu Cô. Từ miếu Cô thì bạn sẽ phải lựa chọn tiếp một trong 2 cách là đi bộ hay cáp treo để di chuyển tiếp đến chùa Hương Tích.

Chùa Hương Tích có gì đặc biệt?

Thả mình vào khung cảnh núi non hùng vĩ

Chùa Hương Tích nằm ở độ cao 650m so với mực nước biển với xung quanh là khung cảnh núi non hùng vĩ, điều này sẽ khiến cho nhiều du khách cảm thấy cực kỳ thích thú. Đặc biệt đoạn đường di chuyển lên chùa có dốc thoải, thiết kế theo dạng bậc thang tuyệt đẹp. Nếu đi bằng cáp treo nữa thì bạn chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hoang sơ xinh đẹp huyền ảo của núi rừng Hồng Lĩnh.

Lễ hội chùa Hương Tích là cơ hội cho mọi du khách khám phá văn hóa tín ngưỡng, cũng như trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa dân gian của người dân bản địa.

Lễ hội chùa Hương Tích là cơ hội cho mọi du khách khám phá văn hóa tín ngưỡng, cũng như trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa dân gian của người dân bản địa.

Còn với những ai thích trải nghiệm cảm giác chân thật khi hòa mình với thiên nhiên thì nên chọn cách đi bộ. Với bầu không khí trong lành mát mẻ, cảnh quanh đậm chất đại ngàn sẽ là cách tuyệt vời để tạm thời quên đi những mệt mỏi và áp lực của cuộc sống thường ngày.

Chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo tại chùa Hương Tích

Chùa Hương Tích thực chất là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo với rất nhiều công trình và hạng mục khác nhau. Ngoài thờ Phật ra thì tại đây vẫn còn thờ rất nhiều vị Thần khác theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Chùa có 3 khu vực chính bao gồm Am Thánh Mẫu, Đền Thiên Vương và Thượng Điện. Trong số đó nổi bật nhất chắc chắn là Cung Tam Bảo, tại đây hiện đang đặt 54 pho tượng Phật bằng gỗ quý với lịch sử hàng nghìn năm.

Trải nghiệm lễ hội văn hóa chùa Hương Tích

Bật mí cho bạn được biết là lễ hội tại chùa Hương Tích sẽ được tổ chức sau Tết Nguyên đán, lễ hội sẽ được diễn ra từ đầu tháng Giêng kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Ngày 18/2 sẽ là ngày chính của lễ hội tại chùa, và đây cũng chính là ngày mà nàng công chúa Diệu Thiện hóa thành Phật.

Lễ hội chùa Hương Tích là cơ hội cho mọi du khách khám phá văn hóa tín ngưỡng, cũng như trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa dân gian của người dân bản địa.

Hồng Khanh (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chua-huong-tich-ngoi-chua-thieng-giua-dai-ngan-ar881461.html