Cù Lao Dung sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai
Cù Lao Dung là huyện nằm ở vùng cửa sông Hậu với hệ thống kênh, rạch chằng chịt nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông. Với những diễn biến thủy văn khá phức tạp, như vào các tháng 10, 11 hàng năm thủy triều dâng cao thường ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân; cùng với đó, vùng đất này cũng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thông qua hệ thống sông, kênh, rạch. Diễn biến xâm nhập mặn hàng năm tùy thuộc theo mùa và lưu lượng dòng chảy của sông Mê Kông, xâm nhập mặn diễn biến không theo quy luật tự nhiên, thường thời gian mặn sẽ xuất hiện từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau, với độ mặn trung bình từ 5 - 30‰.
Huyện Cù Lao Dung có tuyến đê biển dài 23km (trên địa bàn 2 xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam) và tuyến đê tả - hữu dài 81km, có 2 cống vừa (cống Sáu Chết, cống Rạch Lớn); 29 cống nhỏ, 65 bọng; 102 bờ câu, khoan đào. Bên cạnh đó, huyện có trên 360 kênh, rạch và trên 1.000km bờ bao trong dân. Hệ thống sông rạch chiếm tỷ lệ hơn 31% (8.162ha) diện tích tự nhiên của huyện. Tổng diện tích mặt nước sông, cửa biển là 9.762ha, chiếm hơn 37% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Với đặc điểm điều kiện sinh thái tự nhiên cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, huyện chịu tác động khá lớn do thiên tai.
Các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm. Ảnh: THÚY LIỄU
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Nguyễn Văn Đắc thông tin: “Tính riêng các tháng đầu năm 2021, thiên tai đã làm thiệt hại các công trình do Nhà nước quản lý. Cụ thể là thiên tai đã làm vỡ 4 đoạn đê bao sông, chiều dài 16m và 13 đoạn đê bị tràn, chiều dài 490m; làm tràn 23 đoạn giao thông, chiều dài hơn 11km, vỡ 5 đoạn giao thông, chiều dài 25m. Cùng với đó, thiên tai đã làm vỡ 72 đoạn bờ bao do dân tự triển khai thực hiện để bảo vệ sản xuất, chiều dài 298m và tràn 63 đoạn bờ bao, chiều dài gần 3km. Qua thống kê, thiên tai xảy ra làm ngập hơn 450ha mía, 74ha các loại rau màu, hơn 77ha cây ăn trái và làm ngập 298 căn nhà, ảnh hưởng gần 16ha nuôi tôm, 9ha cá, ước tổng thiệt hại hơn 5 tỉ đồng. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người dân sống tại khu vực bị ảnh hưởng triều cường đều rất lo lắng bởi nếu xảy ra triều cường thời điểm các tháng cuối năm, sẽ làm thiệt hại đến diện tích hoa màu, cây ăn trái, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.
Đồng chí Lê Minh Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung trong những năm qua, Trung ương, tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh đã hỗ trợ huyện triển khai các chương trình, dự án về xây dựng các tuyến đường giao thông, thực hiện nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông. Đồng thời, UBND huyện đã bàn giao mặt bằng cho Sở NN-PTNT Sóc Trăng triển khai và thi công các công trình phòng, chống thiên tai tại huyện như: sửa chữa các cống, cầu trên đê tả, hữu Cù Lao Dung; nạo vét kênh thượng, hạ lưu, sửa chữa, gia cố sạt lở mái kênh cống Sáu Chết, cống Rạch Tráng, Rạch Lớn; nạo vét sông Cồn Tròn; gia cố và bồi trúc sạt lở bờ bao sát các xã An Thạnh 3, An Thạnh Đông, An Thạnh Tây, An Thạnh Nam, Đại Ân 1; gia cố sạt lở đê tả - hữu Cù Lao Dung, xã An Thạnh Đông; nạo vét hệ thống thủy lợi xã Đại Ân 1 và thị trấn Cù Lao Dung...
Đồng thời, huyện cũng triển khai các công trình bồi trúc bờ bao phòng, chống triều cường trên địa bàn các xã An Thạnh Tây, xã Đại Ân 1; An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam; công trình khắc phục triều cường trên địa bàn các xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông, Đại Ân 1; công trình nạo vét kết hợp gia cố bờ bao. Song song đó, huyện tiếp tục triển khai thi công các công trình trên địa bàn huyện từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích năm 2021 tỉnh bổ sung có mục tiêu (công trình gia cố bờ bao phòng, chống triều cường và các công trình nạo vét trên địa bàn các xã An Thạnh 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Nam, An Thạnh 2, An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1), đạt 100% khối lượng công trình...
Ngoài các giải pháp triển khai thực hiện công trình phòng, chống thiên tai, trong các tháng còn lại của năm 2021, huyện Cù Lao Dung tiếp tục triển khai tốt phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro và chuẩn bị kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022. Đặc biệt là các tháng còn lại của năm 2021, nhằm ứng phó triều cường, huyện tuyên truyền người dân tự bồi trúc bờ bao, bọng của người dân và thường xuyên kiểm tra khi có triều cường lên và vận động người dân gia cố bảo vệ các tuyến lộ giao thông nông thôn đoạn qua nhà, đất ở mỗi hộ dân. Huyện Cù Lao Dung tiếp tục củng cố, thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn và huy động lực lượng tại chỗ, sẵn sàng trực 24/24 giờ nhằm kịp thời ứng phó khi có triều cường xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, trang thiết bị như cừ, tràm, máy cưa, xe tải… đảm bảo số lượng phục vụ công tác phòng, chống triều cường và tìm kiếm cứu nạn.