'Cú lừa' đau đớn từ Mỹ, Ukraine rốt cuộc chỉ là 'hình nhân thế mạng' trước Nga?
Bằng cách giả vờ giúp đỡ, liên minh phương Tây sẽ biến Ukraine trở thành đại diện trong cuộc chiến với một nước Nga mà bản thân NATO cũng ngại đối đầu.
Lời hứa ảo ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa có chuyến thăm Kiev trong nỗ lực được coi là sự trấn an Ukraine trước tình hình căng thẳng gần đây nơi biên giới. “Chúng tôi sát cánh với họ, bao gồm ứng phó trước bất kỳ hành động gây hấn nào từ Nga”, ông nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với MSNBC.
Có một sự nhất trí tương tự trong chính quyền Biden về việc Mỹ nên bảo vệ Ukraine trước Nga.
Nhưng suy nghĩ cho rằng Mỹ có thể bảo vệ Ukraine về mặt quân sự là một sai lầm.
Nếu tình thế đưa đẩy dẫn đến chiến tranh, Mỹ sẽ không thực sự bảo vệ Ukraine - ít nhất là không hành động đủ để chống lại Nga - và giả vờ rằng Ukraine không đáng nhận được điều đó, chuyên gia Benjamin H. Friedman từ Defense Priorities nhận định.
Trên thực tế, sự ủng hộ mang tính khuếch trương của Mỹ thời gian qua chỉ ngăn cản Kiev nhận ra sự cần thiết của việc phải chấp nhận thích ứng với nước láng giềng mạnh hơn họ rất nhiều.
Kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine và sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ thường suy nghĩ về việc nên làm điều gì đó để giúp Ukraine cân bằng tình thế.
Chuyến đi của ông Blinken diễn ra vài tuần sau khi có tới gần 100.000 quân Nga tập trung sát biên giới Ukraine, theo số liệu của truyền thống phương Tây. Mặc dù quân đội đã rút đi một phần, nhưng sự hiện diện rầm rộ lần này được coi là một nỗ lực thị uy sức mạnh trước Ukraine.
Một mình Ukraine không thể so kè sức mạnh với Nga. Đó là câu chuyện mà ai cũng hiểu rõ. Ukraine có 209.000 quân nhân tại ngũ trong khi Nga có nhân lực lên tới 900.000. Chi tiêu quốc phòng của Ukraine vào năm 2021 dự kiến là 4,3 tỷ USD, chưa bằng 1/10 của Nga. Thậm chí, GDP của Ukraine cũng thua kém người hàng xóm đến 10 lần.
Sự mất cân bằng quyền lực này khiến Ukraine có hai con đường cơ bản để đảm bảo an ninh: thích nghi trước Nga để ngăn chặn rủi ro hoặc cố gắng trở thành một quốc gia được phương Tây bảo hộ, lý tưởng nhất là gia nhập NATO.
Vì lựa chọn đầu tiên nghe có vẻ như là một sự khuất phục, Kiev đương nhiên muốn nhận được sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây, cho dù đó là vũ khí, huấn luyện quân sự hoặc chỉ là lời hứa sẽ cho gia nhập NATO, điều mà nước này khao khát nhưng chưa thành hiện thực.
Bức bình phong Ukraine
Cho đến nay, Tổng thống Joe Biden đã mang lại sự ủng hộ lớn về mặt ngôn từ cho Ukraine nhưng hành động cụ thể chỉ là con số không. Giống như Blinken, ông đã nói về "sự ủng hộ vững chắc" đối với Ukraine và từng khẳng định chắc nịch hồi tháng 2 rằng: "Đứng lên bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine vẫn là mối quan tâm sống còn đối với châu Âu và Mỹ”.
Tuy nhiên, ông và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã không có lời đề nghị nào ủng hộ gia nhập liên minh cho Ukraine. Với bản chất của Mỹ, lý do hoàn toàn dễ hiểu.
Thông cảm cho hoàn cảnh của Ukraine là điều đương nhiên, nhưng việc chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho một quốc gia xa xôi thì cần phải một lý do đủ lớn. Đó là vì khu vực có thể được sử dụng làm bàn đạp tấn công nước Mỹ hoặc một món hời kinh tế nào đó khiến việc mạo hiểm chiến tranh trở nên hợp lý.
Ngược lại, Nga có mối quan tâm nghiêm túc hơn, khi lo ngại Ukraine có thể một lần nữa trở thành hành lang cho các mối đe dọa trong tương lai. Sự bất đối xứng về lợi ích xoay quanh vấn đề Ukraine cho thấy, những lời hứa bảo vệ hão huyền của Mỹ chắc chắn sẽ không làm Nga nản lòng. Ngay cả việc đưa Ukraine vào NATO cũng khó có thể thay đổi lập trường của Moscow.
Tuy nhiên, nhiều người Mỹ có tâm hơn lại tự nhủ rằng, phải chăng họ ít nhất nên làm điều gì đó cụ thể cho Ukraine thay vì chỉ là sự trấn an vô nghĩa. Họ tự hỏi, tại sao ít nhất không khiến cho Nga lo lắng hơn khi nhận thấy rằng một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine có thể châm ngòi cho cuộc chiến lớn và thảm khốc với NATO?
Nhưng sự đe dọa như vậy - ngay cả chỉ là đe dọa suông – cũng mang đến ba rủi ro lớn.
Đầu tiên, việc dấn thêm một bước đôi khi lại mang đến nguy cơ khiến Nga khơi mào cho một cuộc tấn công toàn diện. Trên thực tế, việc các lực lượng phương Tây công khai bảo vệ Ukraine lại khiến Nga cảm thấy đáng báo động để buộc phải ra tay trước.
Moscow có cái lý của mình rằng, có thể NATO chưa bảo vệ thành viên mới lúc này, nhưng tại sao họ phải chờ đợi đến khi NATO động thủ mà không phải tự mình hành động trước để ngăn chặn nguy cơ đó xảy ra?
Thậm chí, Nga cũng có thể sử dụng tình tiết trở thành thành viên NATO của Ukraine như một cái cớ hoài nghi để tấn công.
Thứ hai, việc tăng cường ủng hộ Ukraine, đe dọa Nga, sẽ khuyến khích quá trình chuyển nhiều lực lượng quân sự Mỹ đến châu Âu hoặc các động thái mạo hiểm khác nhằm báo hiệu sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tiềm tàng.
Những động thái như vậy không chỉ gây thêm gánh nặng cho người nộp thuế Mỹ và nguy cơ chiến tranh, mà còn có thể làm tổn hại mối quan hệ với Điện Kremlin,, thúc đẩy sự bất cần của Nga trong các lĩnh vực khác vốn đang hữu ích cho phương Tây.
Thứ ba, triển vọng cứu rỗi thông qua NATO mang lại cho Ukraine niềm tin viển vông. Việc trở thành quốc gia được Mỹ bảo hộ vĩnh viễn là một ảo ảnh có thể cản trở Kiev tự mình thực hiện các yêu cầu an ninh cần thiết của đất nước.
Sau cùng, Mỹ và các đồng minh sẽ không thể cưu mang Ukraine về hướng Tây, cung cấp cho nước này một đội quân có thể cân bằng sức mạnh của Nga hoặc biến các vấn đề an ninh của Kiev thành mối lo chung.
Bằng cách giả vờ giúp đỡ, liên minh phương Tây sẽ ngăn Ukraine rơi vào quỹ đạo Nga, đồng thời biến nước này trở thành đại diện trong cuộc chiến với một nước Nga mà bản thân liên minh cũng không muốn đối đầu.