Cụ Mơ thoát nghèo trong tư tưởng
Câu chuyện bà cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) đạp xe lên xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa trả sổ hộ nghèo đăng trên các báo bỗng thành một câu chuyện vui và đáng yêu nhất của ngày 24-9.
Bà cụ đã trả sổ tới lần thứ hai nhưng trước đó UBND xã vẫn để cụ trong danh sách hộ nghèo để chăm lo vì cụ sống một mình, lại tuổi cao sức yếu. Chính quyền xã dùng sự quan tâm, ưu tiên để đối đãi với cụ, còn cụ đã dùng sự tự trọng và vô tư của mình để đối đãi lại với cuộc đời.
Có một thực tế là nhiều nơi, nhiều gia đình “phấn đấu ngược” là được vào danh sách hộ nghèo để được nhận sự ưu đãi, chăm lo từ chính quyền. Đây là một chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ những gia đình nghèo khó, bệnh tật có thêm cơ hội vượt khó. Người nghèo nói riêng, người yếu thế nói chung rất cần được quan tâm, nâng đỡ. Nhưng cũng vì sự ưu tiên này mà nhiều người chưa thật sự khó khăn vẫn muốn được có sổ hộ nghèo. Thậm chí nhiều người kiện cáo nhau hoặc chạy chọt để có sổ hộ nghèo. Họ chỉ đơn giản xem đó là một sự ưu đãi, một sự lợi thế mà không nhận ra muốn thoát nghèo trước hết phải thoát nghèo từ tư tưởng. Người nghèo khó thật sự cũng chỉ có thể vươn lên khi họ không có tâm lý xem mình là nạn nhân của cuộc đời.
Cũng chính vì vậy mà bài học của cụ Mơ đã nhanh chóng chạm vào trái tim của nhiều người. Cụ vui vẻ sống, tự tin sống, đấy ắt là một cuộc đời đẹp đẽ đáng sống. Thay vì buồn tủi vì sống một mình, thay vì trông chờ người khác chăm lo, giúp đỡ, cụ cho rằng cụ đang sống rất ổn, còn đang giúp đỡ người khác. Năng lượng tích cực của cụ đã làm rất nhiều người khác ngưỡng mộ, học tập. Bài học của cụ có thể sẽ rất khó học với nhiều người nhưng chắc chắn đã được lan tỏa. Chỉ cần thay đổi tâm thế, thay đổi cách chúng ta nhìn cuộc sống của chính mình, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình rất nhiều. Chúng ta có thể sống vui vẻ, tích cực hơn, giàu năng lượng hơn, đóng góp nhiều hơn.
Có những độc giả đến trình bày “nỗi oan ức” to lớn của mình, trong đó có những lần không thể giúp được khiến lòng chúng tôi nặng trĩu. Đó là có những người thuộc gia đình chính sách hoặc từng thuộc hộ nghèo, họ cảm thấy chính quyền chăm lo không đủ, họ thấy mình mất mát, họ mang tâm lý trở thành nạn nhân. Chúng tôi có thể giúp đỡ họ về việc giải thích chính sách, những nỗi buồn và thất vọng trong lòng họ rất lớn, điều đó khiến cuộc sống phía trước của họ rất nặng nề. Rất buồn và rất khó giải thích cho họ hiểu thông, càng khó thuyết phục họ hãy tin rằng sự tự tin, sự quyết tâm đáng giá hơn rất nhiều những trợ giúp về vật chất, trong khi nhiều người yếu thế hơn đang cần sự trợ giúp đó.
Cũng vì thế mà nhiều tổ chức xã hội, nhiều tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam thường chọn các dự án giáo dục để tác động, để giúp đỡ người nghèo. Họ cho rằng giáo dục mới mang sức mạnh to lớn để thay đổi cuộc đời cho nhiều người. Với những người trong độ tuổi lao động thuộc nhóm yếu thế, họ cũng chọn các cách: Tuyên truyền để tác động nhận thức, giải quyết việc làm. Tâm thế của người nhận trợ giúp quyết định dự án có thành công hay không.
Trong một ngày nhiều thông tin thì câu chuyện của cụ Mơ đã lan tỏa rất sinh động và ấm áp. Cám ơn cụ Mơ!
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/cu-mo-thoat-ngheo-trong-tu-tuong-860140.html