Cú ngã của Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục: 'Thần tượng' mạng sụp đổ

Chuyện Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục vướng vào lao lý không quá bất ngờ. Linh, Hằng 'sụp đổ' sẽ lại có những 'thần tượng' khác khuynh đảo cõi mạng. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. 'Thần tượng' mạng mọc lên như nấm, nhưng không phải lúc nào họ cũng sống đẹp, kinh doanh đẹp.

Trượt trong vòng xoáy kim tiền

Danh và lợi thường song hành. “Thần tượng” mạng thường dùng danh để kiếm lợi, nhìn hành trình của Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục đủ thấy. Quang Linh Vlog tên thật là Phạm Quang Linh, sinh năm 1997, tại Nghệ An. Năm 2016, Linh sang Angola theo đường xuất khẩu lao động. Từ đây, anh lập kênh YouTube có tên Quang Linh Vlogs - Cuộc sống châu Phi. Nhưng nếu chỉ nói về cuộc sống châu Phi, Quang Linh Vlog chưa chắc thành “thần tượng”. Anh nhiệt tình chia sẻ hoạt động thiện nguyện ở nước bạn như hướng dẫn người dân Angola trồng trọt, nấu nướng, xây trường học, làm nhà, khoan giếng nước sạch cho người dân bản địa,… Dần dần chẳng ai còn nhớ chàng thợ xây đi xuất khẩu lao động năm nào mà chỉ nhớ đến “thần tượng” biệt danh Quang Linh Vlog.

Phạm Băng Băng và hotgirl mạng xã hội Trung Quốc livestream bán mặt nạ.

Phạm Băng Băng và hotgirl mạng xã hội Trung Quốc livestream bán mặt nạ.

Từ một người vô danh, khó khăn trong mưu sinh, Quang Linh Vlog rủng rỉnh tiền bạc. Không khoe kiếm được bao nhiêu tiền nhờ thành “thần tượng” trên mạng xã hội, nhưng một trang web chuyên phân tích các trang mạng xã hội đã đưa ra kết quả gây choáng. Mỗi tháng Quang Linh có thể kiếm được số tiền từ 8.000-128.600 USD, tức vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi tháng. Chàng thợ xây bỗng lột xác thành “đại gia bất động sản châu Phi”, lấn sân kinh doanh quyết liệt và trượt dài với kẹo rau củ Kera.

Nhà nghiên cứu Huyền Phạm, Viện Nghiên cứu con người phân tích: “Người ta dễ tin theo thần tượng mạng vì họ biết cách xây dựng hình ảnh và đánh trúng tâm lý số đông. Sự nổi tiếng của họ cùng khả năng tương tác trực tiếp qua livestream tạo cảm giác thân quen, gần gũi khiến người xem dễ dàng đặt niềm tin. Khi cảm thấy được truyền cảm hứng, người ta càng dễ tin và làm theo những gì thần tượng nói”.

Hằng Du Mục, sinh năm 1995, quê ở Cà Mau, ban đầu cũng là người vô danh. Có chồng là người Trung Quốc nên Hằng Du Mục chia sẻ nhiều video ghi lại cảnh sắc, con người, sinh hoạt, phong tục tập quán ở nhiều vùng đất của Trung Quốc và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Kênh TikTok của cô sở hữu gần 5 triệu lượt theo dõi, fanpage cũng sở hữu cả triệu lượt thích, hơn 2 triệu lượt theo dõi. Cũng như Quang Linh Vlog hay những “thần tượng” mạng xã hội khác, Hằng Du Mục dùng sự nổi tiếng để làm giàu. Cô trở thành “chiến thần” livestream bán hàng với doanh thu ngoạn mục. Khi Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục đi chung một thuyền, cứ tưởng họ dễ dàng vượt đại dương nhưng kết cục đã bị đại dương nhấn chìm. Đó là cái giá của những người lợi dụng sự nổi tiếng để làm giàu bất chính.

Cú ngã cảnh tỉnh

Cú ngã của Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục khiến nhiều YouTuber, TikToker lệch chuẩn ở ta chột dạ, cũng là cảnh tỉnh cho những người nghiện mạng xã hội. Chị Nguyễn Thị Minh, 50 tuổi (Lai Châu) chia sẻ hành trình nghiện livestream. “Một phần vì rảnh rỗi sinh nông nổi, con cái lớn rồi, đi làm về thì nằm xem livestream. Phần khác vì công việc ở công sở áp lực, tôi tìm đến livestream để giải trí. Xem mãi cũng thấy hay, những người livestream bán hàng khá có duyên, khá tâm lý", chị nói.

Hằng Du Mục bán cả tấn táo đỏ trong vài phút.

Hằng Du Mục bán cả tấn táo đỏ trong vài phút.

Là một kỹ sư xây dựng ở Hà Nội, Trần Hoàng (38 tuổi) phàn nàn về “một nửa” của mình, bởi cả ngày cô vợ dán mắt vào điện thoại, xem từ video đánh ghen đến livestream bán hàng, có khi quên cơm nước, đón con. Người vợ này thường xuyên mua hàng trên mạng, dù chất lượng ít khi như quảng cáo, cô ấy bị lừa thường xuyên nhưng vẫn không bỏ thói quen này, từ thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm đều được mua từ các cuộc livestream. "Cô ấy tin những gì người ta viết trên mạng hơn thông tin chính thống từ báo, đài, tin kinh nghiệm chữa bệnh trên mạng hơn tin thầy thuốc", anh Hoàng nói.

Chính những người nghiện mạng xã hội đã giúp cho Quang Linh Vlog, Hằng Du mục,… mau chóng trở thành “thần tượng”, thành “chiến thần” livestream. Cú ngã của những “thần tượng” mạng xã hội kiếm lời bất chấp pháp luật và nhân cách là lời cảnh tỉnh cho những ai nghiện mạng xã hội, mải hóng livestream.

Bao nhiêu ngôi sao Việt trở thành người bán hàng trên mạng xã hội? Chưa có thống kê song chắc chắn số lượng không nhỏ. Có người còn giã từ nghề tay phải làm MC, diễn viên để chuyên tâm kinh doanh trên mạng. Các “ngôi sao” của làng giải trí cũng tạo nên kỳ tích ở những phiên livestream. Chị đẹp Diệp Lâm Anh từng có phiên livestream Thương vụ triệu đô kéo dài 36 tiếng từ trưa 12/4 đến hết ngày 13/4/2024, mang về doanh số 36 tỷ đồng.

Quang Linh Vlog gây dựng hình ảnh từ những hoạt động truyền cảm hứng ở châu Phi.

Quang Linh Vlog gây dựng hình ảnh từ những hoạt động truyền cảm hứng ở châu Phi.

“Sao” giải trí bắt tay với “sao” mạng xã hội không còn là chuyện lạ ở ta cũng như ở Trung Quốc. Những bức ảnh chụp chung giữa diễn viên Phạm Băng Băng và Văn Văn, hotgirl mạng xã hội Weibo, Trung Quốc từng gây sốt. Tương tự, ở Việt Nam, Diệp Lâm Anh phải kéo thêm nhiều người nổi tiếng khác cùng tham gia Thương vụ triệu đô, trong đó có những cái tên gây chú ý trên mạng xã hội như Long Chun, Phạm Thoại…

An Hằng, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương đang kinh doanh online nhìn nhận, vẫn có những người kinh doanh online hiệu quả, lành mạnh nhờ xây dựng thương hiệu cá nhân tốt. "Quang Linh Vlog sụp đổ là do kiến thức hạn chế, phát triển quá nhanh, vượt quá tầm kiểm soát. Vốn xây dựng được hình ảnh từ việc đi xuất khẩu lao động ở châu Phi nhưng Quang Linh không có chiến lược phát triển bài bản, chỉ chăm chăm kiếm thật nhiều tiền khi có thời cơ”, chị nói.

Nhiều người ham mua hàng trên mạng, đặc biệt là hàng do người nổi tiếng bán, không màng chất lượng, bởi vì họ thích hùa theo đám đông, không có chính kiến. Chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp để kiểm soát phát ngôn của người nổi tiếng về các sản phẩm trên mạng xã hội, cũng như kiểm soát chất lượng hàng hóa để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Mặt khác, người mua hàng cũng phải tự nâng cao nhận thức và trình độ của bản thân trong việc lựa chọn mua sắm.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-nga-cua-quang-linh-vlog-hang-du-muc-than-tuong-mang-sup-do-post1732005.tpo