'Cũ người' chưa chắc 'mới ta'
Sở hữu bước tiến vượt bậc về khâu kỹ xảo nhưng 'Móng vuốt' của đạo diễn Lê Thanh Sơn vẫn lỗ nặng ở phòng vé. Đây không phải là lần đầu tiên điện ảnh Việt thất bại khi khai thác thể loại, chủ đề phim tưởng như mới mẻ ở nước ta nhưng quá quen thuộc với nền điện ảnh phát triển.
Ngày 28/6, “Móng vuốt” chính thức rời rạp sau đúng ba tuần công chiếu. Doanh thu vỏn vẹn gần bốn tỷ đồng khiến nhà sản xuất lỗ hàng chục tỷ so với kinh phí đầu tư. “Móng vuốt” xoay quanh chuyến dã ngoại trong khu rừng cấm của nhóm bạn trẻ thành phố. Tại đây, họ bị một con gấu dữ tấn công, săn đuổi khiến từng người lần lượt bỏ mạng hoặc mất tích. Đây được coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của nước ta khai thác đề tài quái thú - sinh tồn. Tạo hình của nhóm bạn trẻ cũng rất Tây với kiểu tóc đủ màu, xăm trổ lẫn trang phục phóng khoáng.
Ấp ủ bảy năm với công thức “cũ người - mới ta” nên đạo diễn Lê Thanh Sơn khá tự tin với đứa con tinh thần này. Để khán giả được mãn nhãn trên màn ảnh rộng, ông không tiếc tiền và thời gian đầu tư mạnh tay vào khâu kỹ xảo (hiệu ứng VFX), nhất là tạo hình quái thú con gấu.
Phải dành lời khen cho ekip VFX đã làm nên một chú gấu rất sinh động. Từng vết sẹo, sợi lông đến cảnh rượt đuổi, tấn công của chú gấu đều khiến khán giả ngỡ là thật chứ không phải do công nghệ tạo ra. Với những thế mạnh đó, đạo diễn Lê Thanh Sơn kỳ vọng bộ phim sẽ nhanh chóng cán mốc 300 tỷ đồng. Nhưng thực tế phòng vé nhanh chóng đập tan kỳ vọng này. “Móng vuốt” trở thành cú “ngã ngựa” nặng nề trong sự nghiệp của đạo diễn từng nằm trong câu lạc bộ “đạo diễn trăm tỷ”.
Trước đó, năm 2023, “Người mặt trời” (đạo diễn Timothy Linh Bùi) là bộ phim Việt Nam đầu tiên khai thác đề tài ma cà rồng. Năm 2022, “Cù lao xác sống”, “Bến phà xác sống” (đạo diễn Nguyễn Thành Nam) và “Virus cuồng loạn” (Nguyễn Ngọc Nhất Duy) cùng mở đường cho đề tài xác sống (zombie) ở nước ta.
Cũng như “Móng vuốt”, điểm chung của loạt phim này là chọn thực hiện những đề tài vốn quá quen với điện ảnh phương Tây nhưng chưa từng được giới làm phim trong nước thực hiện. Không hẹn mà gặp, lần lượt các bộ phim trên đều “ngã ngựa”, thậm chí có phim còn bị khán giả gắn mác “thảm họa điện ảnh”. Dễ hiểu khi bộ ba phim về xác sống bị chê bởi khâu tạo hình zombie quá sơ sài, kỹ xảo cẩu thả, tình tiết phi lý, ngô nghê. Thất bại là chuyện đương nhiên.
Câu chuyện buồn nằm ở “Móng vuốt” và “Người mặt trời”. Hai bộ phim này đều được đánh giá cao về mặt tạo hình, kỹ xảo. Dàn diễn viên như Tuấn Trần, Thảo Tâm (Móng vuốt) hay Chi Pu, Thuận Nguyễn (Người mặt trời) đều diễn xuất khá ổn. Trong đó Tuấn Trần được mệnh danh là “nam chính nghìn tỷ” khi gần như phim nào có sự xuất hiện của anh cũng đều hút khách. Còn “Người mặt trời” được tung ra đúng thời điểm cái tên Chi Pu phủ sóng làng nhạc và truyền thông trong nước nhờ thành tích đáng nể của cô ở gameshow “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” bên Trung Quốc. Hai gương mặt “bảo chứng phòng vé” cộng với đề tài mới những tưởng sẽ giúp “Móng vuốt” lẫn “Người mặt trời” làm nên chuyện. Nhưng không, sau vài ngày ra mắt rầm rộ, hai tác phẩm này dần bị khán giả ngó lơ.
Mổ xẻ nguyên nhân thất bại, giới chuyên môn cho rằng sở dĩ “Móng vuốt” và “Người mặt trời” rơi vào ảm đạm không phải vì chất lượng kỹ xảo, hình ảnh, diễn xuất mà chính là điểm yếu của khâu kịch bản. Nhà làm phim khai thác một đề tài mới mẻ với điện ảnh Việt không có nghĩa là nó hoàn toàn mới với khán giả. Thể loại sinh tồn - quái thú, ma cà rồng, zombie… là đề tài quá quen thuộc với điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc… hay như nước láng giềng Thái Lan. Họ có vô số bộ phim thuộc hàng siêu phẩm quá ấn tượng. Đã quá mãn nhãn với “Kong - Đảo đầu lâu”, “Godzilla”, “Train to Busan”…, khán giả mong đợi nhiều hơn với tác phẩm “made in Việt Nam”. Họ có thể châm chước ở khâu kỹ xảo, không cần quá xuất sắc nhưng tạm xem được (vì khán giả thừa biết điện ảnh Việt còn non trẻ, công nghệ còn hạn chế), nhưng kịch bản vụng thì không thể châm chước. Điển hình như phim “Quỷ cẩu” dù đôi chỗ kỹ xảo còn vụng về nhưng vẫn ăn khách nhờ câu chuyện gần gũi, cuốn hút.
Ông Thierry Nguyễn, Phó chủ tịch Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam cho rằng: “Kịch bản hay cộng với kỹ xảo tốt sẽ giúp tổng thể phim chất lượng hơn, nhưng nếu cốt truyện dở, không để lại ấn tượng gì cho người xem thì kỹ xảo dù tốt đến mấy cũng như vô hình”. Điều này minh chứng rõ ở “Móng vuốt” và “Người mặt trời”. Điểm cộng của kỹ xảo và sự chỉn chu, tâm huyết của ekip không vớt vát được cốt truyện quá cũ, thiếu sáng tạo, cách kể đi theo lối mòn vốn có của nhiều phim nước ngoài trước đây mà không có gì mới. Nhiều khán giả cho rằng, nếu trở về 10 hoặc 15 năm trước, “Móng vuốt” có lẽ đã trở thành quả bom phòng vé. Còn bây giờ, giữa vô vàn phim sinh tồn có cách khai thác mới lạ của nước ngoài, khán giả “no xôi, chán chè” dẫn đến những gì “Móng vuốt” thể hiện dù khá ổn nhưng trở nên lỗi thời và không đủ “ép phê”.
Bên cạnh đó, với thị trường phim nội địa “nở rộ” trong vài năm trở lại đây, công chúng có xu hướng chọn những bộ phim có đề tài gần gũi với cuộc sống đời thường, mang đậm văn hóa xứ Việt. Vì lẽ đó nên loạt phim về đời sống thị dân của Trấn Thành, series “Lật mặt” đậm chất bình dân của Lý Hải đều đại thắng. Ngay ở mảng phim kinh dị, sự lên ngôi của “Tết ở làng địa ngục”, “Kẻ ăn hồn”, “Quỷ cẩu”… cho thấy thể loại kinh dị gắn với văn hóa Việt, quan niệm dân gian ngày càng áp đảo kiểu hù ma, dọa dẫm thông thường. Sắp tới, số phim kinh dị tiếp tục khai thác đề tài dạng này sẽ lần lượt ra rạp như “Đèn âm hồn”, “Bà Chằng”, “Linh miêu”… Dù thừa nhận rằng sự thành bại của một tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng sau cú ngã của “Móng vuốt”, diễn viên Tuấn Trần cho hay thời gian tới anh sẽ cố gắng ưu tiên những đề tài gần gũi hơn với khán giả.
Khán giả ngày nay không mấy mặn mà với những tác phẩm mang tính chất học đòi phương xa. Hiếm hoi lắm những phim mang hơi hướng phương Tây mới có thể làm nên chuyện. Trước đây, đạo diễn Lê Thanh Sơn từng thành công rực rỡ với “Em chưa 18”. Khai thác về đời sống học đường trong trường quốc tế ở Việt Nam, đây vẫn là ẩn số với đại đa số khán giả Việt. May mắn mỉm cười với nhà sản xuất vì dòng phim rom-com (lãng mạn - hài hước) vẫn là mỏ vàng để “Em chưa 18” chiến thắng giòn giã với lối kể chuyện rất duyên dáng.
Là người làm nghệ thuật, ai cũng mong muốn bắt tay vào những điều mới mẻ. Đây là điều đáng cổ vũ, khích lệ để nhà làm phim cống hiến thêm nhiều tác phẩm, góp sức phát triển nền điện ảnh nước nhà. Để tránh trái đắng, nếu đi theo đề tài kiểu “cũ người” mà muốn cho “mới ta” thì nhà làm phim phải có cách khai thác hoàn toàn mới, nội dung câu chuyện phải đặc sắc hơn, thêm thắt nhiều yếu tố cuốn hút, gần gũi với thị hiếu khán giả. Như thế “món ăn” trở nên quen mà lạ chứ không phải là một phiên bản bắt chước. Nếu đơn thuần chỉ là bắt chước, không bao giờ anh vượt qua cái bóng của bản gốc.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cu-nguoi-chua-chac-moi-ta-i736291/