Cử nhân lương 2 triệu đồng không đủ sống
Mặc dù đam mê với ngành học, nhiều tân cử nhân phân vân giữa tiếp tục làm công việc đúng ngành nhưng lương thấp hay chấp nhận làm công việc trái ngành để có thu nhập đủ sống.
“Mình phải gửi đến gần 20 bộ hồ sơ đi các nơi rồi. Mình có cả chứng chỉ tiếng Trung quốc tế HSK 5 nhưng vì chuyên môn chưa cao, chưa có nơi nào nhận. Đây như một cú sốc đối với mình vậy, không thể tin nổi mình không thể tìm được công việc đúng ngành học, đúng sở thích sau khi ra trường”, Hoàng Thủy bất lực chia sẻ với Zing.
Chật vật vì đam mê
Hoàng Thủy (23 tuổi, từ Hà Nội) cho biết bản thân mất phương hướng từ khi còn là sinh viên. Đến năm thứ ba đại học, cô mới xác định bản thân đam mê với công việc dịch thuật, biên tập sách. Tuy nhiên, chạy nước rút với việc học, ôn thi, tốt nghiệp, Thủy chỉ nhận làm những bản thảo nhỏ để dịch và biên tập, không có nhiều thời gian làm bên ngoài.
Một năm trước, tốt nghiệp khoa Văn học từ một trường ĐH tại Hà Nội, Thủy được nhận vào một công ty sách, tuy nhiên chỉ ở vị trí thực tập, học việc biên tập với mức lương 2 triệu đồng.
Thủy hiểu bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này, cô lại quen với việc học lý thuyết trên trường nhiều nên thiếu kỹ năng mềm. Để tìm được công việc đúng ngành, đúng đam mê rất khó, vì vậy, Thủy chấp nhận mức lương 2 triệu đồng để được học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Dù vậy, cô thừa nhận mức lương này không đủ sống.
Cứ đi làm mãi với mức lương 2 triệu đồng, cô thấy không ổn. Quanh quẩn một năm sau khi ra trường, mặc dù đã có thêm chuyên môn, khi gửi CV đến các công ty khác, Hoàng Thủy vẫn không được nơi nào nhận với lý do năng lực chưa đủ, công việc này cần chuyên môn cao, cô bắt đầu chật vật vì đam mê.
“Mỗi tháng, mình chỉ dám chi tiêu trong khoảng 3-4 triệu đồng. Cũng may, anh trai hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt, chứ không, mình không dám theo nghề”, Thủy tâm sự.
Nỗi lo về chi phí sinh hoạt chỉ tạm thời được giải quyết nhưng với Thủy, sức khỏe tinh thần mới là nỗi ám ảnh với cô. Thủy luôn cảm thấy bản thân mình vô dụng khi không thể tự nuôi sống bản thân mặc dù đã ra trường, đi làm một năm. Nhìn sang bạn bè đã dần ổn định công việc, cô càng tự áp lực bản thân hơn.
Nhưng áp lực của bản thân chưa đủ để đánh gục đam mê tuổi trẻ, thứ Thủy áp lực nhiều hơn có lẽ từ kỳ vọng gia đình và ánh nhìn trong xã hội. Gần một năm nay, Thủy luôn trốn tránh câu hỏi “đang làm công việc gì", “mức lương ra sao”... từ mọi người xung quanh.
Khác với Hoàng Thủy, Trần Hải (24 tuổi, tốt nghiệp khoa Công trình, ĐH Thủy lợi), đang làm 2 công việc cùng lúc, một công việc đúng ngành và một công việc trái ngành bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Mỗi ngày, Hải dành 9 tiếng ban ngày ở công trường bởi anh là kỹ sư thi công công trình. Thời gian buổi tối từ 20h đến 1h sáng hôm sau, anh tiếp tục làm thêm công việc trái ngành.
Công việc ở công trường bụi bặm, vất vả nhiều, an toàn lao động khó đảm bảo 100%, chưa kể có những ngày Hải phải làm đêm hoặc đi xa. Việc nhiều, vất vả nhưng mức lương lại không ổn. Hải cho biết trong khi công việc trái ngành đem lại thu nhập có tháng cao nhất lên đến 15 triệu đồng, công việc ban ngày, Hải chỉ nhận về 6,5 triệu đồng.
Hải nhận định đây là mức lương cơ bản trong ngành đối với sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, nó chỉ đủ để anh co kéo chi tiêu sinh hoạt chứ không để ra tiết kiệm.
Áp lực lựa chọn
Đã có lúc, Hải phân vân, áp lực giữa việc tiếp tục làm công việc đúng ngành hay từ bỏ để làm công việc khác.
“Nhưng nếu bỏ, mình tiếc công sức học hành. Mình cũng không muốn làm bố mẹ thất vọng. Chưa kể nếu kiên trì làm đúng ngành, mình có cơ hội thăng tiến, còn công việc trái ngành lại chưa chắc. Chính vì vậy, đến nay, mình vẫn chấp nhận làm song song hai công việc mà chưa quyết định dừng cái nào. Thôi, mình còn trẻ, còn cố, đến đâu hay đến đó”, Trần Hải tâm sự.
Cùng áp lực phải lựa chọn, gửi CV đến hàng loạt công ty đúng ngành không được, mặc dù không muốn, Thủy phải bất lực ứng tuyển đến cả những công ty trái ngành, bất cứ công việc gì để có thể kiếm tiền.
Rải CV đến gần 20 công ty, cuối cùng, đầu tháng 6 này, Thủy cũng được nhận vào làm công việc tư vấn tuyển sinh tại một công ty về giáo dục. Công việc không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng có mức lương đủ để cô trang trải sinh hoạt mà không phụ thuộc vào gia đình.
Tuy nhiên, vì làm trái ngành, Thủy gặp không ít khó khăn bởi chuyên môn, kỹ năng chưa có. Thời gian thử việc chưa hết, cô không chắc bản thân có được nhận chính thức tại đây hay không. Cô cho biết nếu công ty này không nhận, cô lại tiếp tục tìm kiếm công việc khác để có tiền nuôi sống bản thân, nuôi dưỡng đam mê.
Thủy dự định xem công việc trái ngành này là giải pháp tình thế, cầm cự lấy ngắn nuôi dài, chờ đợi thời cơ để quay lại làm đúng công việc theo đam mê. Thời gian rảnh, cô vẫn nhận biên tập các bản thảo để thêm kinh nghiệm và không quên nghề. Cô chấp nhận đi chậm lại để bản thân từng bước được cải thiện.
“Mình dự định đi làm trái ngành một thời gian, tiết kiệm tiền để học lên cao học cũng như một thời gian nữa quay lại công việc biên tập. Nếu lương thấp, mình cũng có một khoản dự phòng”, Hoàng Thủy chia sẻ.