Cú nhảy thẳng đứng ngoạn mục
PGS.TS Phạm Quang Long nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội. Từ một người làm công tác quản lý giáo dục, văn hóa giàu kinh nghiệm, ở độ tuổi lục tuần bỗng nhiệt hứng rẽ ngang cầm bút sáng tác văn chương.
Trong vòng 9 năm, PGS.TS Phạm Quang Long liên tục ra mắt các tác phẩm “Nợ non sông” (Kịch bản văn học, 2014), cùng 5 cuốn tiểu thuyết: “Lạc giữa cõi người” (2016), “Bạn bè một thuở” (2017), “Cuộc cờ” (2018), “Chuyện làng” (2020), “Mùa rươi” (2022). Năm 2020 ông đã nhận Giải Khuyến khích Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức với tác phẩm “Chuyện làng”. Năm 2023, tham dự Trại sáng tác của Bộ Công an tại Hạ Long, Quảng Ninh ông đã nộp ngay bản thảo “Đối mặt” (Tiểu thuyết về đề tài chống tội phạm) và chỉnh sửa tái bản “Bạn bè một thuở”.
Tôi là người sống gần gũi tác giả Phạm Quang Long gần 50 năm nay, từ khi cả hai còn đầu xanh tuổi trẻ, là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không nhiều người biết tường tận gia cảnh của ông, khi trong nhà có đến hai liệt sĩ (bố và anh trai). Không nhiều người biết mấy chục năm trời ông âm thầm một mình phụng dưỡng mẹ già. Không nhiều người biết 20 năm nay ông là chỗ dựa tinh thần và vật chất vững chãi của người vợ trẻ sức khỏe không được như chị như em, mưa nắng thất thường. Cũng không nhiều người biết bao năm trời ông âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chơi văn chương chữ nghĩa. Nên ai đó nhìn mái đầu bạc sớm cũng đều nghĩ ông già trước tuổi là vì vậy. Nhưng ai hiểu thì mới biết trong ông là cả một “Hỏa Diệm Sơn".
Trong "Nợ non sông", tác giả trở về với lịch sử theo tinh thần “ôn cố tri tân”. Nhưng đó không phải là sở trường dẫu cho những tác phẩm do ông tạo tác nên có chiều sâu triết học và được dư luận đánh giá cao. Tất nhiên, cật vấn quá khứ bằng nghệ thuật ngôn từ cũng là cách minh định hiện tại và giả định tương lai. Riêng tôi, trước sau vẫn cho rằng, nếu có đóng góp vào văn chương đương thời thì Phạm Quang Long hẳn sẽ mang đến cho độc giả các tác phẩm văn xuôi (hư cấu hoặc phi hư cấu). Đây là thời của tiểu thuyết. Đây là thời của những mâu thuẫn, xung đột xã hội sâu sắc nhất làm tiền đề cảm hứng sáng tác những “tấn trò đời” hơn lúc nào hết. Đây là thời của những bi kịch, những vỡ mộng, những hài kịch nhân gian. Thời của xã hội ba đào ký.
Hơn 20 năm làm quản lý từ thấp lên cao, nhờ đó mà ông đã hiểu được chân tơ kẽ tóc của cái cơ chế mà trong đó mình chỉ là một “cái đinh ốc”. Nhờ đó mà hiểu được cái sức mạnh cả hai phía nghiền nát thì nhiều, bồi đắp thì ít nhân cách cá thể, vun vào thì ít phá ra thì nhiều những sáng tạo cá nhân.
Nói theo cách của nhà thơ Việt Phương trong bài thơ “Nơi gừ”, in cách nay hơn 50 năm thì, bởi bị xé nhỏ ra, bởi bị đập tan hoang ra nên con người thời nay sinh ra thói “gầm gừ” nhau, cái thói xấu chưa bao giờ có như thế trong nhân tình thế thái của người Việt. Ai lại nghĩ thời nay mà con người sống cứ như thể “lạc giữa cõi người”. Ai lại nghĩ anh em, đồng chí, bè bạn sống với nhau mà lại cứ như trong một “cuộc cờ”, lúc nào cũng sẵn sàng tỷ thí nhau, vì nếu cần cho quyền lợi (lợi ích nhóm) thì “Có khi phải thí cả xe pháo để lấy tốt mà vẫn cứ phải làm. Nước thí quân lại là nước cứu thế trận khỏi vỡ, khỏi bị chiếu bí. Cuộc đời cũng vậy thôi”. Ai lại nghĩ “bạn bè một thuở” nay muốn sống theo cái đạo lý ngàn đời mà vẫn bị nhiều thế lực xông vào can ngăn, hơn thế ăn cướp trắng trợn. Không chỉ ăn cướp của cải vật chất, mồ hôi nước mắt mà còn ăn cướp cả những quyền tối thiểu của con người.
Tôi hình dung trên mỗi trang viết như thế tác giả run bật lên vì bất bình, căm phẫn thói bỉ ổi trắng trợn đang nhan nhản, khi thì đau đớn chia sẻ với những kiếp người kém may mắn, nghèo hèn trong xã hội. Viết như thế là viết với tâm thế của “người nằm trong chăn biết chăn có rận”. Quan trọng hơn là lòng dũng cảm của một ngòi bút có khát vọng phò chính trừ tà. Cổ nhân hay nhắc câu “Lập thân tối hạ thị văn chương”.
Đúng, tôi trộm nghĩ, mà cũng không đúng. Tôi thiển nghĩ, cái tên Phạm Quang Long sau này nếu còn neo lại trong ký ức mọi người bởi gắn với những tác phẩm ông viết ra, chứ không phải cái tên mà một thời ông ghi trên danh thiếp với chức vụ lớn bé này nọ. Nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi của Phạm Quang Long hay có cái dằn vặt nội tâm, cái đau đáu về nỗi niềm nhân cách, cái ưu thời mẫn thế dẫu cho cuối cùng thì cũng không ai trong số đó lật ngược được thế cờ đỏ đen. Và đặc biệt, đau đớn nhất là những người chân chính, tiết tháo, nhân ái lại cứ như thể lạc loài giữa đồng loại vốn là đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào của nhau. Vì sao?
Tôi có cảm giác mỗi trang văn xuôi của Phạm Quang Long là sự xoay trở câu hỏi “Vì sao?”. Trước đây, chúng ta ngây thơ nghĩ rằng văn chương phải đặt ra và trả lời những vấn đề của đời sống. Bây giờ mới thấy nếu đặt được trúng vấn đề đã là tốt, đã là anh minh, đã là được coi có phẩm tính dự báo. Cuộc sống đảo lộn chưa từng thấy các thang giá trị như bây giờ thì làm sao đòi hỏi văn chương có câu trả lời.
Tiểu thuyết “Cuộc cờ” chính ra là một “Cuộc người”, cả trong nghĩa đen và cả nghĩa bóng của từ này. Trong năm tiểu thuyết đã xuất bản của Phạm Quang Long thì “Cuộc cờ”, có thể nói, tái hiện rõ nhất tính chất khốc liệt của các mâu thuẫn đời sống xã hội hiện đại khi lợi ích nhóm nhân danh những điều này nọ có vẻ to tát và công minh chính đại, nhưng thực chất là một cuộc vơ vét vô tiền khoáng hậu của những kẻ có chức quyền, những kẻ đã lọt sàng lọt lưới qua cái gọi là “đúng quy trình”. Nhưng không đúng với trách nhiệm, lương tâm, nhân nghĩa tối thiểu của đạo lý làm người.
Những câu chuyện được kể lại trong các tác phẩm văn xuôi từ “Lạc giữa cõi người”, “Bạn bè một thuở”, “Cuộc cờ”, “Chuyện làng”, “Mùa rươi” trước hết sát sàn sạt sự thật. Bởi vì tác giả là người chứng kiến, chịu trận, trải nghiệm. Nếu như trong “Nợ non sông”, vì đa phần viết về các nhân vật, sự kiện lịch sử đã qua, đã xa nên ngòi bút của ông có vẻ phóng túng, gia tăng hư cấu thì trong văn xuôi viết về cái hôm nay đầy rẫy ánh sáng và bóng tối, đỏ và đen, tốt và xấu, thăng và giáng, nên mỗi trang văn đều như một tốc ký, ghi chép trung thành các biến cố thời đại. Nhưng không phải ở tầm vi mô mà vĩ mô.
Văn xuôi Phạm Quang Long vì thế mang hơi hướng của các phân tích, điều tra xã hội học các vấn đề đời sống được viết bằng một thứ ngôn từ tiểu thuyết chính xác, lượng thông tin thẩm mỹ cao. Ai thích đọc một lối văn bóng bẩy, mỹ miều, mùi mẫn, nhịp điệu trầm bổng thì có thể sẽ không hào hứng với tác phẩm của ông. Có vẻ như kiểu văn này chỉ hợp với người từng trải, ưa sống chậm, thích nghiền ngẫm và triết lý.
Nếu nói có một bút pháp văn xuôi của riêng Phạm Quang Long thì tôi tạm gọi là “Bút pháp chân thành”. Nhưng nếu nói “Văn là người” thì cũng có thể bị “sái” khi trong đời sống thực Phạm Quang Long hành xử nghiêm cẩn, mực thước, độ lượng, ưu ái. Nhưng sao đôi lúc và ngày càng thấy trong văn chương ông dữ dội, trực diện, thẳng băng, quyết liệt khi truy kích cái xấu, cái cản trở tiến bộ, cái nhân danh, cái phù phiếm.
Văn xuôi Phạm Quang Long giàu tính chất tự thuật, vì những chuyện được kể ra trên từng trang sách là tác giả của nó đã từng nhìn thấy, nghe thấy, chịu trận, nghiền ngẫm thấu đáo. Viết cứ như rút ruột mình ra mà trải lên từng con chữ. Tính chất luận đề cũng là một nét nổi trội trong văn xuôi cũng như kịch bản văn học của Phạm Quang Long (hãy chú ý đến những nhan đề tác phẩm, chẳng hạn). Chất nhà giáo và chất nghệ sĩ trong văn chương Phạm Quang Long không bên nào thắng bên nào.
Vì thế độc giả được tiếp xúc với một cây bút vững chãi, độ lượng, mực thước, chỉn chu trong từng con chữ. Có người nói giá ông “phiêu” một chút nữa thì hấp dẫn hơn. Nhưng mà như người ta nói, vì hai chữ “giá như”, đôi khi lịch sử còn có thể đổi thay huống hồ văn chương. Đành lòng vậy cầm lòng vậy.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cu-nhay-thang-dung-ngoan-muc-i694051/