Cú nhảy vọt của xe điện trong nước, giải bài toán trạm sạc thế nào?
Lượng xe điện tăng nhanh trong 3 năm, tuy nhiên phát triển xe điện không phải đơn giản bởi đây là một trong những lĩnh vực khó và tốn nhiều nguồn lực.
Xe điện tăng nhanh
Không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, những năm trở lại đây Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh. Trong đó, vấn đề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, xe máy điện được đầu tư, chú trọng phát triển.
Nếu năm 2020 các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất, lắp ráp ô tô hybrid, ô tô điện thì tới 2022 đã có 1.318 chiếc hybrid và 7.483 chiếc ô tô điện được đưa ra thị trường. Năm 2023 tiếp tục chứng kiến số lượng vượt trội khi 15.486 chiếc ô tô điện được sản xuất, lắp ráp trong nước. Chỉ tính riêng quý 1/2024 đã có 7.195 chiếc ô tô điện trong nước được sản xuất, nâng tổng số xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước tính từ 2021 tới nay là 30.298 chiếc.
Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.
Có thể nói thị trường xe điện Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh với hàng chục thương hiệu lớn, nhỏ đang tìm kiếm cơ hội . Trong số các dòng xe dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta thời gian tới, đa phần đều thuộc xe gầm cao, trang bị nhiều tính năng hiện đại "so găng" trực tiếp với dòng VinFast VF 6 như BYD Atto 3, MG4 EV... Đặc biệt, phân khúc xe điện giá rẻ sau Wuling Mini EV, TMT Motors sẽ giới thiệu thêm 2 mẫu xe mới là Wuling Bingo và Baojun Yep nhằm cạnh tranh với chiếc VinFast VF 3 sắp được ra mắt.
Như vậy, có thể nhận định thị trường xe ô tô, xe máy điện ở Việt Nam đang ngày càng sôi động. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển nhanh là bài toán giải quyết các trạm sạc điện an toàn, đạt chuẩn thế nào, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Báo cáo "Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không" (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch vừa phát hành, đã đánh giá, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.
Báo cáo cho thấy: Hiện có khoảng 2,4 triệu xe ô tô, gần như toàn bộ chạy bằng xăng. Vào năm 2050, chỉ có xe điện lưu thông trên đường với số lượng ô tô dự kiến là 10,5 triệu xe trong kịch bản cơ sở (BSL) và 9,6 triệu xe trong kịch bản phát thải ròng bằng không (NZ). Số lượng xe thấp hơn trong kịch bản NZ là do giả định có sự chuyển đổi phương thức từ ô tô cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng (đường sắt đô thị) ở các thành phố lớn.
Báo cáo khuyến nghị cần nghiên cứu xây dựng chiến lược đầu tư cấp quốc gia và cấp tỉnh để phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện theo tiêu chuẩn quốc tế; Tích hợp hạ tầng sạc xe điện, bao gồm tăng cường năng lực lưới điện phân phối cho trạm sạc, vào quy hoạch đường bộ và quy hoạch tỉnh, thành phố, đô thị trước 2030.
Giải bài toán trạm sạc xe điện
Sự phát triển nhanh của xe điện đòi hỏi bài toán đồng bộ hạ tầng trạm sạc. Hiện nay, ngoài VinFast đầu tư riêng hệ thống trạm sạc thông qua VGREEN (hãng đã quy hoạch 150.000 cổng sạc phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành) thì cũng đã xuất hiện bên thứ 3 cung cấp dịch vụ sạc như công ty EV One (đã hoàn tất triển khai hơn 20 trạm sạc trên cả nước và mục tiêu sẽ phát triển hơn 100 trạm sạc vào năm 2025).
Tuy nhiên hiện các thương hiệu nhập khẩu và phân phối xe điện tại thị trường Việt Nam lại chưa triển khai cụ thể việc xây dựng hệ thống trạm sạc mà chủ yếu “trông” vào bên thứ 3 hoặc giải pháp tự sạc tại nhà (vốn không thuận tiện cũng như chưa đảm bảo yếu tố an toàn).
PGS.TS Lưu Đức Hải (nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng) cho rằng, ở các thành phố lớn, việc phát triển trạm sạc nên đi theo hướng linh hoạt kết hợp với những đơn vị có quỹ đất, như các khu chung cư, trạm dừng nghỉ hoặc những công viên có diện tích lớn để tối ưu. "Ở các thành phố lớn rất khó có thể định hướng hay quy hoạch dành quy đất mới để chỉ thực hiện việc sạc xe điện", ông Hải nói.
Thời điểm hiện tại, việc sản xuất, sử dụng các trạm sạc, cổng sạc thế nào là quyền của đơn vị sản xuất, nhưng tương lai các đơn vị này cần tính đến phương án sử dụng đồng nhất cổng sạc. Điều đó cũng giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu sạc của người dân, không mất công mỗi dòng xe lại có cổng sạc, trạm sạc khác nhau.
TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, hệ thống cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Nếu phát triển phương tiện giao thông điện quá nhanh trong khi khả năng cung ứng và hạ tầng điện chưa đáp ứng được, sẽ là rào cản rất lớn về mặt kỹ thuật.
"Để thu hút người dân mua xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Trong khi thực tế, mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn hạn chế", ông Sơn bổ sung thêm.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2045, phát triển xe điện chiếm lĩnh thị trường, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị, cần có sự chung tay, phối hợp của Nhà nước và doanh nghiệp.
Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sau khi triển khai cần có những đánh giá về tác động, ảnh hưởng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Về phía doanh nghiệp, đại diện VAMA cho rằng, việc nghiên cứu, đầu tư của các nhà sản xuất ô tô cần được thực hiện một cách cân bằng, phát triển hài hòa để tránh gây ra xáo trộn thị trường. Nếu thực hiện không cân bằng, phù hợp, có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.
Để phát triển phương tiện giao thông xanh, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 10/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các địa phương có liên quan rà soát tổng thể Chương trình tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.
Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông xanh, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Để bảo đảm hoạt động của các phương tiện giao thông xanh hiện hữu, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan ban hành hướng dẫn để bổ sung trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, bảo đảm có các hệ thống trạm sạc điện công cộng trong các đô thị phục vụ phương tiện giao thông xanh để các địa phương triển khai thực hiện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động phương tiện giao thông xanh của người dân, hoàn thành trong tháng 8/2024.