Cụ nội
Cụ nội đã gần chín mươi tuổi, tuy người tầm vóc chỉ bằng chắt gái nhưng vẫn nhanh nhẹn, đi lại bình thường. Khác lạ với mọi người là cụ ở với con út chứ không ở với con cả. Hàng xóm bình phẩm cho rằng anh cả nhiều con, đông cháu nên cụ ở với con út.
Cụ nội đã gần chín mươi tuổi, tuy người tầm vóc chỉ bằng chắt gái nhưng vẫn nhanh nhẹn, đi lại bình thường. Khác lạ với mọi người là cụ ở với con út chứ không ở với con cả. Hàng xóm bình phẩm cho rằng anh cả nhiều con, đông cháu nên cụ ở với con út. Có người bảo cụ hợp tính nết anh con út.
Chả thế mà có lần bị cảm, huyết áp tăng, phải đi viện cấp cứu, các con đến phục vụ, cụ vui vẻ, nhưng ở lại trông nom ban đêm cụ không khiến ai, chỉ yêu cầu anh út ở lại. Có lúc cụ nói với hàng xóm:
-Tôi thương thằng út vì nó khổ nhất. Đẻ nó trong cái đêm bố nó đi theo cách mạng, nó không biết mặt cha. Mãi đến năm mười tuổi, lên Thái Nguyên nó mới được gặp ông ấy thì ông ấy sốt rét nặng và một năm sau ông mất. Nó lớn lên trong cảnh nghèo mà ngoan ngoãn, có nghị lực học hành, bây giờ có việc làm, có chỗ đứng, tôi ở với nó để động viên nó, dựa vào nó.
Như bao người cao tuổi, cụ nội nhớ nhớ, quên quên. Có chuyện cụ vừa kể hôm trước, hôm sau lại kể. Đứa chắt nhắc: - Chuyện này cụ kể mấy lần rồi.
Cụ nheo đôi mắt cười: - À, lần trước kể ở ngoài hè, lần này kể trong bữa cơm.
Cả nhà cười vui vẻ. Ấy thế mà có nhiều chuyện cụ không bao giờ quên. Chuyện cụ hay nhắc đến là cái đêm vào đầu năm 1945. Cụ ông theo cách mạng đã mấy năm trước. Đêm ấy có ba người nữa đến nhà họp bàn gì đó. Cụ bảo cụ bà nấu cho mấy nắm cơm rồi bảo cụ gói cho mấy bộ quần áo. Hỏi là đi đâu thì cụ ông bảo:
-Tôi đi theo tổ chức lên Thái Nguyên. Có thể vài năm tôi mới về. U mày chịu khó vất vả trông chúng nó. Có điều kiện tôi sẽ kéo mấy đứa lên chiến khu phục vụ kháng chiến. Bọn địch có hỏi cứ trả lời là tôi đi buôn bán không biết ở đâu.
Thế mà tám năm sau hai cụ mới gặp lại nhau. Trong thời gian đó, cứ vài ba ngày, bọn lính lại đến nhà xục xạo, đe dọa. Hình ảnh cán bộ cách mạng quần nâu, áo vá, gầy guộc nhưng đôi mắt sáng đêm ấy cụ không bao giờ quên. Những lúc vui cụ còn đọc Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên cho cả nhà nghe. Có lần đứa chắt gái thắc mắc:
-Cụ ơi, cụ bảo không biết chữ mà sao cụ học được nhiều thế?
Cụ xoa đầu con bé cười: - Cụ có biết chữ, nhưng chỉ biết có một chữ ký tên thôi. Cụ thuộc nhiều là do có mấy năm bán sách ở chợ, bà chị, ông cháu đọc cho cụ nghe, cụ nhập tâm ấy mà.
Con bé thốt lên khen:- Ôi, cụ thông minh quá. Bây giờ chúng cháu học bài mà nhớ được như cụ thì nhất trường cụ nhỉ?
Hay chuyện cuối năm thời kỳ kháng chiến, cụ ủng hộ hai chỉ vàng để xây dựng xưởng quân giới, cụ cũng nhớ. Nhưng vì sao có hai chỉ vàng thì cụ lại quên mất và cái giấy biên nhận của người cán bộ quân đội ấy cụ cũng quên để đâu mất. Đặc biệt chuyện vất vả làm ruộng, đi chợ buôn vặt... để tần tảo thay chồng gánh vác việc nhà hay chạy loạn, chạy lụt... cụ cũng quên tiệt.
Tuổi già là vậy. Có thể trong đời là một bể khổ nhưng các cụ coi đó như một lẽ đương nhiên ai cũng phải trải qua. Kể lể làm gì. Tốt nhất là cho nó quên đi. Có chuyện mọi người trong nhà được kể từ bao giờ cứ truyền miệng nhau từ lớp này sang lớp khác. Ví như chuyện cụ đẻ ra các ông, các bà trong cảnh nghèo khó. Cơm cho người đẻ chỉ có cơm trắng với thìa tép hoặc nước mắm chưng với gừng. Thậm chí quả trứng gà luộc chia làm hai bữa. Đẻ đêm thì ngay sáng phải ra ao giặt quần áo. Vì không kiêng được nên có năm bị hậu sản mòn tưởng chết...
Chuyện ấy cụ sao mà còn nhớ được. Các con, cháu, chắt biết đến điều đó mà nhớ ơn là được, nhớ ơn để mà sống với nhau tốt hơn, cho cuộc đời mỗi người đáng sống hơn, cho các cụ thọ hơn mà thôi.
Tuổi cao, các bà, các cụ có quên đi nhiều thứ nhưng với các con cháu chắt thì hàng ngày cụ vẫn dõi theo. Ví như thằng cháu của bà thứ hai, tốt nghiệp lớp mười hai, vừa đỗ đại học trong nước vừa đủ tiêu chuẩn đi học ở Úc. Cả nhà bà thứ hai tranh luận gay gắt. Người thì bảo cho đi học trong nước, người thì bảo cho đi Úc. Không phân định được, bảo nhau kéo sang hỏi cụ, ai cũng mách nói lý lẽ phải cho cụ nghe. Cụ ngồi, đôi mắt lim dim, hai bàn tay nổi gân xanh gầy guộc đan vào nhau, lắng nghe. Có ai đó nói to:
-Mọi người yên lặng, nghe cụ xem nào.
Cụ mở đôi mắt còn sáng nhìn tất cả rồi dừng lại ở thằng chắt, vẫy nó lại gần. Cụ sờ đầu, sờ cổ, sờ vai nó. Cụ cầm hai bàn tay nó lên xoa xoa, nắn nắn rồi kéo nó ngồi xuống bên mình. Cụ nói ngắn gọn: - Xã hội ngày một tiến lên, đến nơi người ta tiến bộ hơn nước mình mà học hỏi rồi về phục vụ đất nước. Giống như cụ ông ngày xưa lên tỉnh học rồi về dạy học, có học mới phục vụ được cách mạng, kháng chiến. Cho nên cho nó đi học ở Úc là phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của cháu.
Cả nhà vỗ tay như pháo nổ. Cụ già gần chín mươi tuổi mà có cái nhìn thấu đáo hơn cả lớp trẻ. Thật là đáng kính. Cụ mất vào tuổi chín ba. Trước khi mất ba ngày là ngày giỗ cụ ông. Sau khi ăn cơm, cụ còn đọc câu Kiều:
-Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài…
Trong lễ viếng, hàng xóm thấy có hai cụ già cũng xấp xỉ chín mươi đến thắp hương, hai cụ kính cẩn khấn: - Chị ơi, chúng em là liên lạc giao thông cho các anh các chị đi theo cách mạng. Đã mấy lần đến nhà được chị che chở cho ăn ngủ. Nay chị ra đi, chúng em một lễ tạ ơn và từ biệt chị.
Bây giờ, mọi người mới biết thêm nhiều điều về cụ. Sao gia đình cụ lại không được công nhận là gia đình có công với nước nhỉ? Điều đó có gì lạ. Không ít gia đình như thế. Yêu nước, giúp cách mạng vô tư bằng tấm lòng của mình. Thời gian rồi sẽ quên đi nhưng việc làm của những người như cụ còn đậm nét trong lòng nhân dân. Những người cao tuổi, người phụ nữ ở những miền quê ao tù nước đọng, đồng trắng nước trong còn mãi thơm thảo nồng ấm và có sức lan tỏa trong mỗi gia đình hôm nay.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202307/cu-noi-212178f/