Cụ ông 84 tuổi suýt phải cắt cụt 2 chân do tắc mạch chi nặng nề

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai chân đau nhức, không thể đi lại, chân trái tím lạnh từ cẳng chân đến bàn chân, dấu hiệu thiếu máu chi nghiêm trọng.

Thầy giáo nghèo đau đớn kiệt sức viện trong tình trạng nguy kịch

Ngày 25/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cứu đôi chân cho cụ ông 84 tuổi khỏi nguy cơ cắt cụt do tắc mạch chi nặng nề bằng kỹ thuật phẫu thuật bắc cầu mạch chuyên sâu.

Bệnh nhân là ông T.K.T (84 tuổi) ở phường An Sinh, tỉnh Quảng Ninh, nhập viện trong tình trạng hai chân đau nhức dữ dội, không thể đi lại, chân trái tím lạnh từ cẳng chân đến bàn chân.

Qua thăm khám, các bác sĩ không bắt được mạch chi dưới hai bên, có dấu hiệu thiếu máu chi nghiêm trọng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy người bệnh bị hẹp và tắc động mạch nhiều đoạn từ động mạch chủ bụng đến các đoạn chậu, đùi và cẳng chân hai bên.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, vợ ông T. cho biết, trước đây chồng bà từng là giáo viên, có gần 10 năm dạy học tại Cô Tô nhưng do điều kiện gia đình, ông buộc phải nghỉ dạy giữa chừng để trở về đất liền mưu sinh bằng nghề khác.

Vì không đủ thời gian công tác, ông không có lương hưu, hiện chỉ nhận được khoản trợ cấp xã hội 700 nghìn đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng già yếu, không người thân sống nương tựa vào nhau bằng đồng lương hưu ít ỏi của người vợ.

Nhiều năm nay, dù ông thường xuyên bị đau chân nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép, ông cố chịu đựng, không dám đi viện khám. Chỉ đến khi hai chân gần như không thể cử động, đau đớn kiệt sức, ông mới đành nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

 Hình ảnh mạch chi hai bên tắc nặng nề, cẳng chân trái tím lạnh - Ảnh BVCC

Hình ảnh mạch chi hai bên tắc nặng nề, cẳng chân trái tím lạnh - Ảnh BVCC

Đánh giá đây là một trường hợp tắc mạch cấp nặng ở người già, có nguy cơ hoại tử dẫn đến cắt cụt hai chân nếu không được can thiệp kịp thời, các bác sĩ khoa Ngoại đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định phương án phẫu thuật bắc cầu mạch.

Kíp mổ thực hiện ca phẫu thuật bắc cầu bằng mạch nhân tạo từ động mạch chủ bụng tới động mạch đùi hai bên và tiếp tục bắc cầu từ hai động mạch đùi để dẫn máu xuống cẳng chân, nhằm tái thông dòng máu nuôi chi dưới. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ phẫu thuật mạch máu, gây mê hồi sức và chăm sóc hậu phẫu.

Sau 3 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã thành công. Máu được tái thông, hai chân bệnh nhân hồng ấm trở lại, hết đau, cải thiện rõ rệt nguy cơ hoại tử. Cụ ông đã được cứu khỏi nguy cơ tàn phế, điều mà gia đình ông không dám hy vọng vì hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, cho biết: “Khi nhập viện, cụ T. bị hẹp, tắc mạch rất nặng từ đoạn động mạch chủ bụng kéo dài xuống chậu, đùi và cẳng chân hai bên.

Tình trạng tắc mạn tính đã diễn tiến nhiều năm khiến thành mạch xơ vữa, dễ tổn thương, đòi hỏi ê-kíp phẫu thuật phải thao tác hết sức cẩn trọng, chính xác trong từng miệng nối để đảm bảo dòng máu được thông suốt, tránh biến chứng.

Bắc cầu theo giải phẫu là rất khó do phải mở bụng nối từ động mạch chủ xuống hai chân, nhưng kết quả lâu dài, giúp chân bệnh nhân phục hồi tốt nhất.

 Phẫu thuật bắc cầu mạch chi cho bệnh nhân 84 tuổi - Ảnh BVCC

Phẫu thuật bắc cầu mạch chi cho bệnh nhân 84 tuổi - Ảnh BVCC

Bệnh nhân già yếu, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, chúng tôi luôn nỗ lực làm điều tốt nhất có thể cho người bệnh. Việc giữ lại đôi chân cho người bệnh là điều quan trọng, giúp cụ có thể tự chăm sóc bản thân, cải thiện chất lượng cuộc sống về sau”.

Song song với điều trị, các bác sĩ đã chủ động kết nối với Tổ Công tác xã hội của bệnh viện để tìm nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, giúp người bệnh có thêm điều kiện trang trải viện phí và hồi phục sau phẫu thuật.

Cứ 5 người trên 70 tuổi có 1 người bị bệnh

PGS.TS Lê Văn Trường, Phó giám đốc, Viện trưởng Viện tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, bệnh viêm tắc động mạch chi nhập viện ngày càng nhiều, tăng lên cả chục lần.

Rất nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng do “tự chẩn đoán” hoặc được chẩn đoán nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi, hoặc do tuổi già… nên việc điều trị rất khó khăn, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi.

Đây là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Với người trên 70 tuổi, cứ 5 người sẽ có 01 người mắc bệnh lý này.

 Hình ảnh mạch chi tái thông sau phẫu thuật bắc cầu cùng phần cẳng hồng hào trở lại - Ảnh BVCC

Hình ảnh mạch chi tái thông sau phẫu thuật bắc cầu cùng phần cẳng hồng hào trở lại - Ảnh BVCC

Theo PGS.TS Trường, viêm tắc động mạch chi dưới chủ yếu do nguyên nhân vữa xơ động mạch và viêm nội mạc động mạch, làm hẹp tắc lòng mạch gây thiếu máu và rối loạn dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử phần ngoại vi chi dưới là ngón và bàn chân, có thể cả cổ chân và cẳng chân. Bệnh hay gặp ở nam giới.

Các yếu tố thuận lợi làm cho bệnh phát triển khí hậu lạnh và ẩm kéo dài, nghiện thuốc lá, ăn uống thiếu các vitamin, tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý... tác động lên thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, gây ra các phản ứng co thắt ở động mạch.

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng gì, sau đó xuất hiện: đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ 1 lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên

Tiếp đến, bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Da chân tái và lạnh, xuất hiện loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng. Toàn trạng bệnh nhân suy sụp nếu bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/cu-ong-84-tuoi-suyt-phai-cat-cut-2-chan-do-tac-mach-chi-nang-ne-post1557191.html