Cụ ông 85 tuổi bị tắc ruột khi ăn quả chà là, cách phòng tránh dị vật ống tiêu hóa
Ông H. V. H., 85 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long hay ăn quả chà là, gần đây có tình trạng khó tiêu, đau bụng, nôn dịch màu đen. Đi khám, bác sĩ nghi bệnh nhân bị dị vật ống tiêu hóa.
Gia đình đưa cụ đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường, có tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hội chẩn, các bác sĩ nghi bệnh nhân bị nghi tắc ruột chưa rõ nguyên nhân.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã quyết định phẫu thuật thám sát, xử trí tổn thương. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện, lòng hỗng tràng của bệnh nhân có 2 dị vật gây tắc ruột có hình dạng giống trái chà là, kích thước 4x2cm. Bác sĩ đã lấy dị vật, khâu lại ruột, dẫn lưu theo dõi.
Hiện nay, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, đã uống được sữa, súp, tiêu hóa tốt, dự kiến ra viện ngày 14/3/2023.
BSCKII Bùi Phi Hùng - phẫu thuật viên chính cho biết: Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến trong quá trình ăn uống, chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ em.
Tỉ lệ mắc dị vật ống tiêu hóa chung hiện nay là 1 đến 1,2 người/ 1 vạn dân. Trong đó có khoảng 20% các dị vật sẽ mắc lại ống tiêu hóa trên (từ hầu họng thực quản, dạ dày, tá tràng góc Treitz), xử trí bằng việc gắp qua nội soi thực quản dạ dày tá tràng
Các trường hợp còn lại chiếm gần 80% trường hợp là hầu hết các dị vật tự thoát và đào thải an toàn khỏi ruột.
Tuy nhiên có khoảng 1% trong số các trường hợp dị vật dù đã di chuyển qua được môn vị dạ dày gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột (do các dị vật sắc nhọn), tắc ruột (dị vật có kích thước lớn), khối áp xe trong ổ bụng (dị vật xuyên qua thành ruột và di chuyển vào trong khoang phúc mạc), thậm chí tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.
Dị vật đường tiêu hóa ngày càng phổ biến và đa dạng, có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất.
Các loại dị vật thường gặp là: xương động vật như xương cá, xương gà, xương vịt,… hoặc các loại quả, hạt như hạt hồng xiêm, hạt vả… Dị vật có thể là đồng xu, khuy áo, răng giả,... Tùy theo dị vật mà thương tổn đường tiêu hóa khác nhau; các dị vật như xương cá, gà, heo,… dễ gây viêm, thủng hoặc áp xe đường tiêu hóa.
Bác sĩ khuyến cáo phòng tránh dị vật ống tiêu hóa
Ăn chậm, nhai kỹ, tránh mất tập trung. Tránh thức ăn dai hoặc có lẫn xương. Lưu ý các loại thịt, cá còn lẫn xương. Xay nhỏ và nấu nhừ đồ ăn cho người già và trẻ nhỏ. Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi xỉa răng xong. Bóc hết vỏ, vỉ thuốc trước khi sử dụng.
Khi nuốt phải hoặc hóc dị vật người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật "trôi" xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến vấn đề trở nên phức tạp. Khi nuốt phải hoặc hóc dị vật cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí lấy dị vật càng sớm, càng tốt.