Cụ ông ngồi vỉa hè viết câu đối chúc Tết suốt 53 năm
Suốt 53 năm qua, cứ gần đến Tết Nguyên đán, ông Huỳnh Trí Cầu lại bày giấy bút ra vỉa hè để viết câu đối, câu chúc Tết như một thói quen.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống viết thư pháp, ông Huỳnh Trí Cầu (68 tuổi) đã được cha chỉ dạy viết thư pháp từ nhỏ, đến năm 15 tuổi, ông bắt đầu viết câu đối, câu chúc Tết mỗi dịp Tết đến xuân về.
Theo ông cầu, sau 53 năm, người đến thuê ông viết câu đối, câu chúc đã có nhiều thay đổi. Ngày trước, rất nhiều người đến nhờ ông viết câu đối, về sau, lượng người đến giảm dần do công nghệ in ấn ngày càng phát triển.
"Tôi được ba dạy viết thư pháp từ nhỏ, năm 15 tuổi thì bắt đầu viết đến bây giờ nhưng chỉ bày giấy bút viết vào dịp Tết, còn công việc chính của tôi là dạy viết thư pháp. Viết đã 53 năm, tôi thấy có nhiều thay đổi, ngày xưa thì Tết người ta trang trí nhà cửa bằng giấy đỏ viết câu đối. Những năm gần đây, do công nghệ in ấn ngày càng phát triển nên người tìm đến viết tay cũng ít hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều người thích viết các câu đối thủ công vì mỗi câu đều có đường nét, độ đậm nhạt khác nhau, không đại trà như in ấn", ông Cầu cho biết.
Ông Cầu cũng cho biết, trước kia, con đường Trần Quý (Quận 11, TP HCM) có nhiều người giống ông bày sạp ra viết câu đối, nhưng năm nay, chỉ còn mình ông trụ lại với nghề này.
Giá cả tác phẩm của ông Cầu giao động từ 50.000-300.000 đồng, tùy vào chất liệu và kích thước của giấy, cũng như yêu cầu và độ khó của tác phẩm. Người đến là người Hoa hay người Việt đều dễ dàng chọn lựa nội dung các câu đối vì ông có sẵn các mẫu câu để khách hàng có thể chọn lựa.
"Không chỉ người lớn mà năm trước có rất nhiều học sinh đến đây nhờ tôi viết để tặng thầy cô và trang trí lớp dịp cuối năm. Tuy nhiên năm nay có lẽ do dịch bệnh nên không có. Ngoài viết câu đối, câu chúc Tết, tôi còn viết cả bao lì xì đỏ", ông Cầu cho biết thêm.