Cụ ông ngừng tim, ngừng thở trên đường đến bệnh viện
Đang trên đường di chuyển gần tới bệnh viện vì khó thở, đau ngực, cụ ông đột ngột mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.
Tiền sử bệnh nhồi máu cơ tim, được đặt một stent động mạch vành cách đây 12 năm, gần đây cụ công 86 tuổi, trú tại huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đau tức ngực trái từng cơn tăng dần, kèm theo khó thở.
Ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu. Khi đang trên đường di chuyển gần tới bệnh viện thì ông đột ngột mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.
Ông được các y bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực, sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp. Sau hơn 30 phút liên tục nỗ lực cấp cứu hồi sinh tim phổi, tim bệnh nhân đập lại, tuần hoàn được tái lập, nhưng tình trạng người bệnh nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt phải duy trì 3 loại thuốc vận mạch liều cao và phải thở máy.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp nguy kịch, nguyên nhân cao do nhồi máu cơ tim gây ngừng tim, kèm theo bệnh lý nền phức tạp. Bên cạnh đó, do thời gian ngừng tim trước khi đến viện kéo dài (khoảng 10 phút) nên tiên lượng di chứng do tổn thương não để lại sẽ rất nặng nề nếu không được hạ thân nhiệt chỉ huy sớm.
Các bác sĩ chuyển bệnh nhân về khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc để tiếp tục áp dụng các kỹ thuật hồi sức tích cực chuyên sâu và hạ thân nhiệt chỉ huy bảo vệ não.
Sau hơn 2 tuần được điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe của cụ ông tiến triển tốt, không phải thở máy, gọi hỏi biết, không yếu liệt, chức năng gan, thận, hô hấp cải thiện theo hướng tốt dần, hết đau tức ngực, khó thở. Ông tiếp tục được điều trị thuốc kết hợp dinh dưỡng nâng cao thể trạng và phục hồi chức năng.
Sau 37 ngày nằm viện, cụ ông hồi phục thần kỳ và được ra viện.
Theo ThS.BS Đỗ Minh Thái – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, về lý thuyết, việc ngừng tim trên 5 phút mới được phát hiện và cấp cứu hầu hết sẽ tử vong, số ít dù được cứu sống vẫn phải đối mặt với các di chứng tổn thương não hết sức nặng nề như co giật, mất trí nhớ, nặng hơn là hôn mê sống đời sống thực vật.
Để người bệnh thêm nhiều cơ hội sống, đặc biệt là phục hồi ý thức và các chức năng vận động, “hạ thân nhiệt chỉ huy” chính là kỹ thuật tiên tiến trong điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương thần kinh cho người bệnh sau ngừng tuần hoàn.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp kiểm soát thân nhiệt của người bệnh theo các ngưỡng nhiệt được cài đặt theo quy trình. Hạ thân nhiệt diễn ra qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn cảm ứng: Dùng chế độ làm lạnh nhanh ở mức tối đa, nhanh chóng đưa nhiệt độ cơ thể xuống mức nhiệt độ đích (trong dải nhiệt độ chọn trước từ 33 độ C đến 36 độ C) trong thời gian ngắn nhất có thể.
Giai đoạn duy trì: Duy trì nhiệt độ đích (từ 33 độ C đến 36 độ C) trong 24 giờ.
Giai đoạn làm ấm: Dùng chế độ làm ấm nâng dần nhiệt độ cơ thể lên 37 độ C, cần làm ấm chậm, tốc độ 0,1-0,5 độ C/giờ, đảm bảo thời gian làm ấm kéo dài trên 12 giờ.
Giai đoạn bình thường hóa thân nhiệt: Duy trì 37 độ C trong 24 giờ.
Hạ thân nhiệt với tác dụng làm giảm trao đổi chất ở tế bào, giảm sự tiêu thụ oxy ở các tế bào sau khi ngừng tim, vì tim không còn co bóp để đưa máu đến bộ phận cơ thể, không cung cấp được oxy và ứ đọng lại các sản phẩm chuyển hóa độc hại, đặc biệt là tế bào não.
Khi các tế bào não bị tổn thương sẽ rất khó hồi phục hoặc để lại các di chứng thần kinh cho bệnh nhân, việc can thiệp kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy trong những giờ đầu sẽ làm giảm các tổn thương, ngăn chặn sự chết của tế bào.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cu-ong-ngung-tim-ngung-tho-tren-duong-den-benh-vien-ar893317.html