Cụ ông sống với đầu đạn trong phổi suốt 60 năm
Sau 60 năm sống chung với đầu đạn trong phổi, ông T. đã được phẫu thuật, thoát khỏi cảnh thường xuyên đau ngực, ho dai dẳng.
Ngày 25/1, bác sĩ Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cắt thùy trên phổi phải bằng phương pháp nội soi lồng ngực, gắp đầu đạn nằm trong phổi hơn 60 năm cho bệnh nhân Trần T. (79 tuổi), ngụ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ông T. cho hay, thời chiến tranh, ông bị trúng đạn ở ngực. Vị trí viên đạn nằm sâu vào phổi và vẫn chưa gắp ra được cho tới nay. Hơn 60 năm qua, ông luôn bị đau ngực và ho dai dẳng.
Dù đã đi khám nhiều nơi, phát hiện có dị vật ở phổi nhưng vì tính chất phức tạp của bệnh nên các bệnh viện không can thiệp gì. Ông T. quyết định sống chung cùng đầu đạn.
Đến giữa tháng 1/2022, bệnh nhân ho ra máu tươi lẫn máu cục nên đến khám tại bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân được làm xét nghiệm, chụp XQ, chụp CT ngực phát hiện xẹp hoàn toàn thùy trên phổi phải, vùng trung tâm phổi xẹp có hình ảnh dị vật cản quang dạng kim khí kích thước 14x30mm.
Bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản, phát hiện có cục máu đông và bít hoàn toàn phế quản thùy trên phổi phái, máu tươi chảy ra từ đây. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, thiếu máu.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực để cắt thùy trên phổi phải. Ca mổ diễn ra khó khăn do thùy trên phổi phải dính vào thành ngực, trung thất và thùy giữa phổi.
Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tiến hành gỡ dính, giải phóng thùy trên phổi phải ra các thành phần lân cận. Sau gần 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã cắt thành công thùy trên phổi phải bệnh nhân mà không có biến chứng gì. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất hiện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Vũ, đối với những trường hợp mảnh kim khí trong phổi, nếu bệnh nhân ổn định, không có biến chứng gì thì sẽ được điều trị bằng phương pháp nội khoa và theo dõi.
Nhưng với trường hợp bệnh nhân này, dị vật do đầu đạn nằm trong phổi từ rất lâu, đã hơn 60 năm, gây biến chứng xẹp hoàn toàn thùy trên phổi phải và chảy máu nên phương pháp điều trị ngoại khoa được đề ra.
Bệnh nhân T. đã lớn tuổi, lại có rất nhiều bệnh kèm. Hơn nữa, dị vật gây dính phổi vào thành ngực và trung thất nên phẫu thuật để cắt thùy phổi càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho người bệnh, giải quyết thương tổn.
“Với phẫu thuật nội soi sẽ giúp người bệnh ít đau, thời gian hồi phục sau mổ tốt. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, được áp dụng rất tốt đối với người bệnh già yếu. Và trong y văn, chưa ghi nhận trường hợp có đầu đạn nằm hơn 60 năm gây biến chứng như bệnh nhân này”, bác sĩ Vũ cho biết thêm.