Cụ ông U90 mang chứng bí tiểu suốt 10 năm
Do khối u ở tuyến tiền liệt kích thước lớn làm bít tắc đường tiểu dưới, khiến bao năm qua ông cụ phải thường xuyên nhập viện cấp cứu để thông tiểu.
Ông Nguyễn Hồng Liên (84 tuổi, Đồng Nai) đến thăm khám ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hồi đầu tháng 5 trong tình trạng bí tiểu phải mang ống thông dẫn lưu nước tiểu.
Ông cho biết, mình có tiền sử phì đại tuyến tiền liệt, bị rối loạn đi tiểu khoảng 10 năm nay nhưng không điều trị tích cực. Vì vậy, triệu chứng đi tiểu càng ngày càng khó khăn hơn. Cách đây 6 tháng, ông bí tiểu nên phải vào bệnh viện để cấp cứu. Những lần đó, bác sĩ cho ông đặt ống thông để giải thoát nước tiểu trong cơ thể, tuy nhiên, khi rút đặt ống thông ra thì tình trạng bí tiểu lại tái diễn.
Ông đã đi thăm khám nhiều nơi, và được bác sĩ của một bệnh viện kết luận ông bị phì đại tuyến tiền liệt, kích thước khá lớn, làm bít tắc cổ bàng quang, tức là chỗ tống thoát nước tiểu nên việc đi tiểu trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vì ông lớn tuổi, nếu phẫu thuật có thể mất nhiều máu, nguy hiểm, nên bác sĩ chỉ mổ đặt ống thông vào bàng quang xuyên ra ngoài da vùng bụng dưới, để thoát nước tiểu tắc nghẽn trong bàng quang.
6 tháng mang theo ống thông tiểu bên mình, ông cảm thấy rất khó chịu, bất tiện. Cứ 10 ngày phải thay ống 1 lần, đi lại khó khăn, vướng víu, thỉnh thoảng nước tiểu rỉ ở chân ống rất mất vệ sinh. Cả gia đình và bản thân ông đều thấy không thể sống chung với ống thông tiểu này mãi được nên đã tìm hiểu đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với mong điều trị dứt điểm, giúp ông có thể đi tiểu bình thường, không lệ thuộc vào ống thông.
Thăm khám trực tiếp cho ông Hồng Liên là Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức (Trưởng khoa Tiết Niệu – Trung tâm Tiết niệu – Thận học), qua các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ siêu âm và sinh thiết tuyến tiền liệt. Kết quả cho thấy, ông Liên bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, thể tích của tuyến tiền liệt to đến 240 ml, gấp 8 lần mức cho phép ở người lớn tuổi (thường 30-40 ml), lồi vào bên trong bàng quang, bít tắc hết đường thoát nước tiểu.
"Trong trường hợp này, điều trị hiệu quả là phải phẫu thuật can thiệp, tuy nhiên với phương pháp cũ bao gồm mổ mở và nội soi qua đường niệu đạo đều có khuyết điểm rất lớn là gây chảy máu rất nhiều, đặc biệt là u lớn, sẽ cực kỳ nguy hiểm với một người lớn tuổi như ông Liên", bác sĩ Hoàng Đức cho hay.
May mắn thay, ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có trang thiết bị hiện đại để có thể thực hiện phương pháp điều trị mới là phẫu thuật nội soi qua ngả niệu đạo, dùng dụng cụ chuyên biệt với điện lưỡng cực để bóc tách toàn bộ khối u ra khỏi vỏ bao của tuyến tiền liệt. Khối u sau đó sẽ rơi vào trong bàng quang, dùng máy để xay nhỏ và hút ra ngoài. Ưu điểm của phương pháp này là ít sang chấn, ít mất máu và an toàn cho bệnh nhân lớn tuổi.
Ca phẫu thuật thực hiện hơn 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân máu mất ít, hoàn toàn không để lại vết mổ. Sau ca mổ, bệnh nhân được chuyển về phòng nội trú, sức khỏe ổn định một ngày sau đó, có thể ngồi dậy và ăn uống tốt. Sau 2 ngày, bác sĩ rút ống trên vùng bụng, 6 ngày sau mổ rút ống niệu đạo, cụ ông có thể đi tiểu bình thường và không còn tình trạng bí tiểu nữa.
Nói về bệnh lý phì đại lành tính tuyến tiền liệt, bác sĩ Hoàng Đức chia sẻ thêm phì đại lành tính tuyến tiền liệt tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại cản trở sự tống thoát nước tiểu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi và gia tăng theo tuổi.
Để phòng ngừa tình trạng bí tiểu, nam giới nếu phát hiện phì đại lành tính tuyến tiền liệt nên tích cực thăm khám và theo dõi bệnh với các bác sĩ chuyên khoa.
"Có đến 95% bệnh nhân phì đại lành tính tuyến tiền liệt chung sống tốt với điều trị nội khoa, chỉ có 5% cần can thiệp ngoại khoa. Trường hợp cần can thiệp mà phát hiện vào thời điểm u kích thước nhỏ, các biện pháp điều trị sẽ đơn giản, ít có tai biến và biến chứng", bác sĩ Hoàng Đức cho biết.