Cứ phải học đi, học lại những kiến thức đã cũ thầy cô nào không mệt mỏi?
Nhiều khi bước vào học tập, bồi dưỡng thì giáo viên cảm thấy mất đi sự hứng thú vì phải 'nghe hoài, đọc mãi' những điều mà mình đã biết, đã làm hàng ngày ở lớp...
Khi học xong chương trình đào tạo cao đẳng hoặc đại học sư phạm thì sinh viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp để đảm nhận việc đứng lớp.
Khi được tuyển dụng và trở thành viên chức của ngành giáo dục thì việc bồi dưỡng, tập huấn hàng năm là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi bởi nếu không học tập thêm cũng đồng nghĩa những thầy cô giáo sẽ bị chững lại về kiến thức, phương pháp…
Song, nhìn từ chương trình đào tạo các chứng chỉ, nhìn từ các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp sư phạm thì mọi người thấy rằng có rất nhiều kiến thức trùng lặp, chồng chéo nhau. Chính vì thế nên nhiều khi gây ra sự lãng phí về thời gian, tiền bạc cho đội ngũ nhà giáo và ngân sách nhà nước.
Một số chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên cứ lặp đi, lặp lại
Bản thân người viết bài này đã từng tham gia một số lớp bồi dưỡng trong những năm qua, cùng với việc tập huấn hàng năm ở nhà trường thì chúng tôi nhận thấy có quá nhiều kiến thức cứ phải học đi, học lại nhiều lần một cách nhàm chán.
Chẳng hạn như các chuyền đề: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học; Xây dựng văn hóa nhà trường; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…
Những chuyên đề này thì bản thân người viết bài này đã học ở các lớp: Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông; lớp Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn; lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.
Trong các nội dung bồi dưỡng đại trà đang triển khai cho giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông 2018; chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà Bộ thực hiện trong mấy năm nay thì các chuyên đề này cũng thấy xuất hiện.
Ngoài ra, việc bồi dưỡng về chuyên môn cũng được các Sở, Phòng Giáo dục, nhà trường cũng thường xuyên bồi dưỡng các chuyên đề này.
Giáo viên nào học đủ 9 modul chương trình mới, đề nghị Bộ bỏ chứng chỉ chức danh
Ví dụ như chuyên đề: “Dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” thì giáo viên phổ thông được tập huấn từ nhiều năm qua và năm nào các hội đồng bộ môn, nhà trường, tổ chuyên môn cũng xây dựng chuyên đề này để tổ chức thao giảng.
Chính vì thế, khi giáo viên được triệu tập đi học các lớp như: Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông; lớp Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn; tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán; Bồi dưỡng đại trà chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoặc giáo viên đăng ký học lớp Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thấy như có vẻ quan trọng lắm nhưng khi học tập thì có quá nhiều nội dung cũ kỹ, chồng chéo với nhau.
Thậm chí, nhiều chuyên đề đã có trong Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên và được các nhà trường đánh giá, xếp loại giáo viên từ năm học 2018-2019.
Thành ra, nhiều khi bước vào học tập, bồi dưỡng thì giáo viên cảm thấy mất đi sự hứng thú vì cứ phải “nghe hoài, đọc mãi” những điều mà mình đã biết, đã làm hàng ngày ở lớp, ở trường…
Lãng phí về thời gian, tiền bạc của giáo viên và ngân sách nhà nước
Thực ra, cái gì hay, mới thì giáo viên luôn hứng thú để học tập, trau dồi cho mình nhưng nếu cứ học đi, học lại nhiều lần những kiến thức cũ sẽ dẫn đến nhàm chán, mệt mỏi cho người học.
Chẳng hạn như việc Bộ vừa ban hành các Thông Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập vừa qua thì chúng ta vẫn thấy yêu cầu các hạng giáo viên vẫn phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Còn chứng chỉ vô duyên nhất giá như Bộ Giáo dục bỏ nốt, thầy cô mừng biết mấy
Nhưng, nội dung 10 chuyên đề mà các trường đại học sư phạm đang giảng dạy thì gần hết đã tập huấn cho giáo viên hoặc có trong nội dung bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đã và đang triển khai đại trà cho giáo viên.
Điều này cho thấy để có những chứng chỉ này thì mỗi giáo viên đương nhiên phải mất mấy triệu đồng nhưng học lại những kiến thức cũ từ khi còn là sinh viên và nội dung tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn hàng năm.
Trong khi đó, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì ngân sách nhà nước và các địa phương lại cũng phải trả tiền cho các trường sư phạm biên soạn nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên thêm một lần nữa. Rõ ràng, đây là sự lãng phí không đáng có.
Đất nước còn nghèo, đời sống của đa phần giáo viên còn nhiều khó khăn thì cớ gì cứ phải tổ chức bồi dưỡng, yêu cầu những “giấy phép con” mà nội dung kiến thức bồi dưỡng cho giáo viên lại lặp lại?
Vì thế, giáo viên chúng tôi hy vọng lãnh đạo Bộ Giáo dục cần có những chỉ đạo để các trường Sư phạm; trường Cán bộ quản lý giáo dục, các Sở, Phòng Giáo dục rà soát, bỏ đi những nội dung chồng chéo nhằm hướng tới bồi dưỡng cho giáo viên hiệu quả hơn.
Đừng bắt giáo viên cứ phải học đi, học lại những kiến thức cũ kỹ, không cần thiết bởi nó lãng phí thời gian và tiền bạc nhiều lắm!.