Cú sốc lớn trong đời Rembrandt
Cái chết bất ngờ của Titus, con trai duy nhất của ông, là một cú sốc đối với người đàn ông vốn đã trải qua bao đắng cay khi mất đi ba đứa con còn ở tuổi sơ sinh của ông với Saskia.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 1668, con trai duy nhất của Rembrandt là Titus (1641-1668) kết hôn với Magdalena van Loo (1641-1669), con gái của một người thợ bạc, cháu gái của Hiskia van Uylenburgh - chị gái của Saskia cũng là bác gái của Titus.
Cuộc hôn nhân đã hoàn trả phần tài sản của Saskia thuộc sở hữu của Titus cho gia đình Uylenburgh. Gia đình của Saskia thường xuyên buộc tội Rembrandt phung phí tài sản thừa kế của bà do cách ông chi tiêu hoang phí vào các bộ sưu tập, nhưng họ đã ngừng làm vậy khi Titus kết hôn với gia đình Uylenburgh, dù Rembrandt không có quyền tiếp cận số tiền được Saskia để lại cho Titus.
Niềm hạnh phúc ngắn ngủi
Sau cuộc hôn nhân của cặp đôi trẻ - Titus 26 tuổi, và cô dâu gần 17 tuổi - Magdalena sớm mang thai đứa con đầu lòng của họ, sẽ ra đời vào đầu năm tới.
Titus đã không sống được đến lúc chứng kiến đứa trẻ chào đời. Sau bảy tháng kết hôn, ông mất vì bệnh dịch hạch và được chôn cất vào ngày 7 tháng 9 năm 1668.
Đứa trẻ được Magdalena sinh ra năm tháng sau đó và được làm lễ rửa tội ở nhà nguyện Nieuwezjds, Amsterdam, vào ngày 22 tháng 3 năm 1669. Cô bé được đặt tên là Titia, theo tên cha của mình. Rembrandt trở thành cha đỡ đầu của cô bé. Con gái ông Cornelia cũng có mặt [trong buổi lễ rửa tội].
Cái chết bất ngờ của Titus, con trai duy nhất của ông, là một cú sốc đối với người đàn ông vốn đã trải qua bao đắng cay khi mất đi những đứa con còn ở tuổi sơ sinh của ông với Saskia, cũng như cái chết của Hendrickje.
Magdalena muốn đảm bảo rằng Titia sẽ nhận được phần của mình trong tài sản của Rembrandt khi ông qua đời. Con gái của bà là một người thừa kế hợp pháp, trong khi Cornelia, dưới con mắt của pháp luật, thì không.
Sự giúp đỡ từ bạn bè
Bức chân dung Jeremias de Dekker (1610-1666), nhà thơ và nhà văn đạo Cơ Đốc, được Rembrandt vẽ vào năm 1666, là món quà dành tặng nhà thơ vì nhiều lời tốt đẹp mà ông ấy đã viết về nghệ sĩ và những bức tranh của ông. Hai người là bạn bè, và Dekker là nơi nương tựa của Rembrandt khi ông mất đi người thân.
Dekker viết rằng ông rất vui vì “Apelles” (một họa sĩ nổi tiếng người Hy Lạp vào thế kỷ 4) trong thời đại của mình đã vẽ chân dung ông.
Ông từng nói mình thiếu kỹ năng của các nhà sử học nghệ thuật Giorgio Vasari và Karel van Mander, nhưng ông cũng bảo điều đó là không cần thiết để ca tụng sự vĩ đại của Rembrandt bởi nghệ sĩ được biết đến “ở bất cứ nơi nào thuyền của người Hà Lan đi đến”. Ông đã ưu ái so sánh tài năng của bạn mình với Michelangelo và Raphael, nói thêm rằng tên tuổi của Rembrandt cũng nổi tiếng ở Rome tương đương với “các bậc thầy người Italy”.
“Cái bóng tình bạn”
Dekker đã dành một bài thơ cho “người bạn Rembrandt”, đề cập đến bức tranh Chúa hiện ra với Mary Magdalene (Christ Appearing to Mary Magdalene) của Rembrandt năm 1638. Dekker ca ngợi cách diễn tả bóng của những tảng đá, và hình dáng của Chúa phục sinh, miêu tả nó như “những nước sơn vô tri vô giác được ban tặng sự sống”.
Trong một bài thơ khác, Schaduw-Vrindschap (Cái bóng - Tình bạn), Dekker chỉ trích “những người bạn” chỉ xuất hiện những khi tốt đẹp và khi mặt trời chiếu sáng. Ông tuyên bố ông không phải là “cái bóng” đối với Rembrandt, đây có lẽ là lời ám chỉ về việc nghệ sĩ ngày càng bị cô lập khỏi xã hội Amsterdam.
Những người bạn khác, ở bên ông khi ông giàu có và cả khi bần cùng, xuất hiện trong những năm cuối đời ông, như người bán thuốc Abraham Francen, và người quản lý tòa thị chính, Thomas Jacobsz. Haringh, đều được ghi lại trong các tranh khắc axit của Rembrandt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-soc-lon-trong-doi-rembrandt-post1360529.html