Cú sốc Trương Quốc Vinh và nỗi ám ảnh về trầm cảm, tự tử

Sau sự ra đi của Trương Quốc Vinh, những cuộc thảo luận về trầm cảm, tự tử diễn ra ngày càng nhiều.

Ngày 1/4/2003, Trương Quốc Vinh - thần tượng Cantopop đạt nhiều giải thưởng, ngôi sao điện ảnh hàng đầu Hong Kong và là biểu tượng của cộng đồng LGBTQ+ - qua đời. Anh được cho là nhảy từ tầng 24 của khách sạn Mandarin Oriental và từ giã cõi đời sau thời gian chống chọi với bệnh trầm cảm. Sự ra đi của anh cho đến bây giờ vẫn là cú sốc lớn.

Theo SCMP, sau lễ kỷ niệm 18 năm ngày mất của ngôi sao Hong Kong Trương Quốc Vinh, một cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần của giới trẻ đã nổ ra. Suốt 20 năm qua, ngày càng nhiều người trẻ mắc chứng trầm cảm. Nhu cầu về sức khỏe tâm thần không được coi trọng đúng mức, dẫn đến việc có quá ít trung tâm điều trị trầm cảm, chi phí cũng khá đắt đỏ.

Sau 18 năm, cú sốc mang tên Trương Quốc Vinh đã mở ra cuộc đối diện giữa giới trẻ và vấn đề sức khỏe tinh thần của chính mình.

18 năm sau cái chết vì trầm cảm của Trương Quốc Vinh

Leslie Cheung (tên quốc tế của Trương Quốc Vinh) là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử showbiz Hong Kong, cả về âm nhạc, điện ảnh lẫn tầm ảnh hưởng. Nam ca sĩ từng thống trị làn sóng Cantopop những năm 1980 trước khi chuyển thành diễn viên đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ.

Sao phim Bá Vương biệt cơ từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Tầm ảnh hưởng của nam diễn viên thậm chí mang tầm châu lục, tên tuổi nổi tiếng ở nhiều quốc gia. Sự ra đi không đúng lúc của anh ngày 1/4 - Cá tháng Tư khiến nhiều người không tin đây là sự thật.

 Những ngày đầu tháng 4, Trương Quốc Vinh và Đường Hạc Đức là hai cái tên được nhắc đến nhiều ở showbiz Hoa ngữ.

Những ngày đầu tháng 4, Trương Quốc Vinh và Đường Hạc Đức là hai cái tên được nhắc đến nhiều ở showbiz Hoa ngữ.

Trong lời cuối cùng gửi đến người thân, gia đình và bạn bè, Trương Quốc Vinh chỉ đơn giản để lại hai chữ “Phiền muộn”, sau đó là lời cảm ơn đến những người xung quanh, đặc biệt là người yêu Đường Hạc Đức.

“Tôi đã không làm gì sai trong cuộc đời, vậy tại sao nó lại như thế này”, anh nói về căn bệnh trầm cảm.

18 năm nay, cứ đến dịp 1/4, làn sóng tưởng nhớ Trương Quốc Vinh lại diễn ra, thịnh hành trên Weibo lẫn mạng xã hội các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Nhiều người hâm mộ thường gọi Trương Quốc Vinh với biệt danh Ca Ca. Các bài đăng về nam ca sĩ và bạn tình Đường Hạc Đức những ngày này thường rất phổ biến.

“Chúng tôi không thể quên Trương Quốc Vinh bởi anh ấy là người tài giỏi và bạc mệnh, cái chết vì bệnh trầm cảm hoàn toàn quá đáng tiếc”, một bình luận để lại.

Trầm cảm với xã hội Trung Quốc

“Tôi từng sống với bệnh trầm cảm nặng. Mỗi khi tôi nhắc đến chuyện này với những người thân, họ luôn yêu cầu tôi ‘đóng cửa suy nghĩ’ và đừng tự vẽ ra nhiều thứ nữa”, một người viết trên Weibo.

Ý kiến này là tiếng nói, nỗi sợ chung của những người đã và đang đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Một người khác đồng ý kiến: “Tuy chưa từng chẩn đoán lâm sàng nhưng tôi rất chắc chắn rằng tôi đã sống chung với chứng trầm cảm một thời gian dài. Lúc đó, tôi cảm thấy lo lắng và có cảm giác như cả thế giới đang chống lại mình. Dù có làm gì đi nữa, tôi cũng không thể hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Christina Wang, cố vấn sức khỏe tâm thần ở Thượng Hải, cho biết: “Ngày càng nhiều người Trung Quốc cảm thấy họ bị trầm cảm phải đến gặp bác sĩ trị liệu. Đây là nỗi lo của đất nước. Theo tôi, điều đó không nên xảy ra, chúng ta phải hạn chế”.

Những người bị trầm cảm giống Trương Quốc Vinh không được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Những người bị trầm cảm giống Trương Quốc Vinh không được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Theo chuyên gia, bệnh nhân trầm cảm cần được điều trị bằng cả thuốc và các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, hầu hết người Trung Quốc buộc phải lựa chọn một trong hai. Thời gian và tiền bạc không cho phép họ điều trị dứt bệnh.

Ở Trung Quốc, bệnh nhân có thể đến các bệnh viện công. Tuy nhiên, ở những nơi này, nhân lực và trang thiết bị thường bị hạn chế. Họ thường chỉ được kê đơn thuốc điều trị, các liệu pháp tâm lý bị bỏ qua. Nếu giàu có hơn, họ tự bỏ tiền túi đến các trung tâm tư vấn sức khỏe.

Song, số tiền bỏ ra là không hề nhỏ, việc được kê thuốc cũng là điều bất khả thi.

Theo luật pháp Trung Quốc, các bác sĩ trị liệu không thể kê đơn thuốc an thần cho bệnh nhân. Họ chỉ có thể giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện để khám chữa bệnh. Theo chuyên gia Christina Wang, nhiều nhà trị liệu không muốn làm điều đó vì sợ mất khách hàng.

“Không phải bệnh viện nào cũng cung cấp liệu pháp điều trị tâm lý. Nếu làm vậy, các nhà trị liệu phải khám rất nhiều bệnh nhân một ngày, không đủ nguồn lực, việc đặt lịch hẹn ở bệnh viện công cũng rất khó khăn. Nhiều người lại chán nản, bỏ cuộc giữa chừng vì tình hình tài chính không cho phép. Họ không đủ khả năng điều trị. Điều này trở thành một vòng luẩn quẩn”, Wang nói thêm.

 Cái chết của Trương Quốc Vinh một phần phụ thuộc vào chuyện sức khỏe tinh thần không được quan tâm đúng mức.

Cái chết của Trương Quốc Vinh một phần phụ thuộc vào chuyện sức khỏe tinh thần không được quan tâm đúng mức.

Thông thường, một buổi khám ở bệnh viện công có giá khoảng 200 NDT (30 USD), nhưng một buổi ở các trung tâm điều trị tâm lý đắt gấp 4 lần, con số lên đến 800 NDT (khoảng 120 USD). Một bệnh nhân trầm cảm thường cần 10-15 buổi điều trị. Gánh nặng tài chính khiến họ buông bỏ, tiếp tục lao vào guồng quay công việc.

Mặt khác, Wang cũng lo lắng với tình trạng “bác sĩ ma” ở quê nhà. “Một số nhà trị liệu phi đạo đức chẩn đoán bệnh nhân của mình là trầm cảm nhẹ ngay cả khi họ không có triệu chứng gì để thuyết phục họ tiếp tục điều trị, ăn tiền trên sự phi nhân tính”, Wang nói.

Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ, mỗi năm, cứ 15 người thì có một người bị trầm cảm. Và ở mỗi người trong số chúng ta, không kể đó là ai đều bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong đời.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, giới nghệ sĩ thường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với người khác.

Chuyên gia tâm lý Candice Lam cho biết việc chịu nhiều áp lực khiến người nổi tiếng đối mặt hàng loạt vấn đề tâm lý như hoảng loạn, mất ngủ, rối loạn ăn uống, sau đó dẫn đến việc lạm dụng chất kích thích, hành vi lệch lạc và tệ nhất là nảy sinh ý định tiêu cực.

“Những người có sự nghiệp lẫy lừng hy sinh nhiều thứ từ gia đình, công việc đến tình cảm. Vì vậy, tâm hồn họ nhạy cảm và dễ tổn thương hơn người bình thường", Candice rút kinh nghiệm từ những lần tư vấn.

Chuyên gia tâm lý cũng khẳng định việc nổi tiếng, giàu có khiến các ngôi sao phải đánh đổi nhiều thứ. Thay vì được hạnh phúc, tự do, việc được săn đón (theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực), giàu có đôi khi khiến họ khủng hoảng, suy nghĩ nhiều về giá trị bản thân.

Một số bệnh nhân bị trầm cảm khác lại không dám nói ra bệnh, thường giấu giếm những thứ liên quan đến bệnh tình. "Một số bệnh nhân trầm cảm muốn so sánh chính mình với người khác. Họ luôn nhìn thấy sai lầm và liên tục kiểm điểm bản thân. Đây là nhóm đối tượng có xu hướng trầm cảm, tự tử nhất. Họ luôn bất an và nghĩ về việc người khác nhìn mình thế nào. Điều đó khiến nhiều người chọn thuốc an thần để thư giãn", Candice nói.

Chuyên gia tâm lý người Trung Quốc cho rằng thay đổi nhận thức là liệu pháp quan trọng trong việc điều trị tâm lý. Phương pháp của cô là khuyến khích người bệnh thay đổi hành vi, chống lại suy nghĩ lệch lạc.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-soc-truong-quoc-vinh-va-noi-am-anh-ve-tram-cam-tu-tu-post1199945.html