Cử tạ Việt Nam: Hy vọng nối dài giấc mơ huy chương Olympic
Trong lịch sử tham dự Olympic của thể thao Việt Nam, cử tạ là môn duy nhất có VĐV giành huy chương ở hai kỳ Olympic. Đến Olympic Tokyo 2020, trong khi cơ hội giành huy chương của các bộ môn khác khá mịt mù thì đội tuyển cử tạ lại khác...
Đội tuyển cử tạ Việt Nam trước khi sang Nhật Bản dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Quý Lượng
Động lực từ tấm huy chương "đến muộn"
Tối 13-7, tại lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo, lực sĩ người Đà Nẵng Trần Lê Quốc Toàn đã được nhận tấm Huy chương đồng (HCĐ) tại Olympic London 2012. Đây là tấm huy chương mà Toàn có thể giành được ngay tại kỳ Olympic đó. Nhưng khi ấy, tấm huy chương này thuộc về lực sĩ Valentin Hristov (Azerbaijan). Sau này, lực sĩ người Azerbaijan được xác định dương tính với chất kích thích trong thời gian thi đấu tại Olympic 2012. Thế nên, Trần Lê Quốc Toàn từ vị trí thứ tư được đôn lên vị trí thứ ba để nhận tấm HCĐ. Đó cũng là tấm huy chương thứ hai của cử tạ Việt Nam tại đấu trường Olympic - sau tấm Huy chương bạc của Hoàng Anh Tuấn ở Olympic 2008.
Tấm HCĐ "đến muộn" của Trần Lê Quốc Toàn dù để lại chút tiếc nuối trong anh, nhưng ít nhiều mang đến động lực cho các đô cử sắp tranh tài tại Olympic Tokyo 2020. Theo lịch thi đấu, Thạch Kim Tuấn thi đấu vào ngày 25-7, Hoàng Thị Duyên thi đấu ngày 27-7. Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng nhận định: “Tấm HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn tạo niềm tin cho các đô cử Việt Nam. Họ sẽ tự tin vào bản thân, vào thế mạnh hiện tại của cử tạ Việt Nam”.
Đô cử Hoàng Thị Duyên cũng cho rằng: “Chứng kiến anh Trần Lê Quốc Toàn nhận tấm HCĐ Olympic 2012, tôi tự nhủ sẽ nỗ lực thi đấu. Đó là động lực để tôi tin rằng nếu thể hiện tốt năng lực cùng thực hiện tốt chiến thuật của Ban huấn luyện thì tôi sẽ có cơ hội tranh chấp huy chương”.
Khát vọng giành huy chương
Tại Olympic Tokyo, cử tạ Việt Nam chỉ có 2 đô cử tranh tài thay vì 3 đô cử như thông báo ban đầu của Liên đoàn Cử tạ thế giới. Nguyên do là Việt Nam có VĐV dương tính với chất kích thích, trong đó 3 đô cử có mẫu xét nghiệm dương tính khi tập luyện trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic Tokyo. Và theo quy định của Liên đoàn Cử tạ thế giới, Việt Nam chỉ còn 2 suất (1 nam, 1 nữ) tham dự Olympic. Sau khi cân nhắc lựa chọn giữa hai đô cử nữ Việt Nam đủ điều kiện dự Olympic Tokyo, Ban huấn luyện đã chọn Hoàng Thị Duyên, người được đánh giá có cơ hội giành huy chương ở hạng 59kg.
Trong khoảng 3 năm gần đây, Hoàng Thị Duyên trở thành đô cử nữ sáng giá nhất của cử tạ Việt Nam. Cũng không ngẫu nhiên khi các chuyên gia đều nhận định chính Hoàng Thị Duyên có nhiều cơ hội tranh HCĐ tại hạng cân 59kg trong kỳ Thế vận hội mà thể thao Việt Nam cũng chỉ dám đặt mục tiêu giành 1 HCĐ.
Chính Hoàng Thị Duyên cũng nhận thức rõ về cơ hội của mình: “Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ các đối thủ ở hạng cần 59kg, từ quá trình thi đấu, thành tích đến điểm mạnh và yếu. VĐV Đài Loan (Trung Quốc) Kou Hsing-chun ở một đẳng cấp cao hơn các đối thủ còn lại, trong đó có tôi. Tôi sẽ có ít nhất 2 đô cử cạnh tranh tấm HCĐ là Andoh Mikiko của Nhật Bản cùng Escobar Guerrero của Ecuador. Trong thời gian vừa qua, dù có khoảng 1 tháng phải thực hiện cách ly, gặp khó khăn nhất định để duy trì thể trạng nhưng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp quản lý, Ban huấn luyện. Vì vậy, khó khăn đã vơi đi nhiều”.
Còn Thạch Kim Tuấn từng là đô cử hàng đầu ở hạng 61kg nam, nhưng rồi chấn thương lưng và gối đã khiến đô cử này không đạt được thể trạng tốt nhất trong thời gian qua.
Theo nhận định của Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng, nếu thi đấu đúng phong độ thì cả Hoàng Thị Duyên và Thạch Kim Tuấn đều có thể tranh chấp HCĐ. Trong khả năng của mình, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam có hỗ trợ một khoản kinh phí để VĐV bảo đảm tối đa về dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng treo thưởng 50 triệu đồng - 40 triệu đồng - 30 triệu đồng cho lần lượt HCV - HCB - HCĐ mà VĐV cử tạ Việt Nam giành được ở Olympic Tokyo tới. “Tôi tin mức thưởng chỉ là một phần động lực của các VĐV. Họ đang có khát khao mạnh mẽ để mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam cũng như chính bản thân” - ông Đỗ Đình Kháng nói.
Sau một kỳ Olympic 2016 trắng tay, rõ ràng cử tạ Việt Nam đang rất muốn có thêm tấm huy chương, dù chỉ là HCĐ, tại sân chơi Olympic để xứng danh là môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam. Khát khao đã đủ, chỉ mong các VĐV tự tin thể hiện để thể thao Việt Nam tiếp tục giành huy chương lần thứ tư liên tiếp tại đấu trường Olympic danh giá.