Cụ thể các nguyên tắc trong dự án Luật Phòng thủ dân sự
Phòng thủ dân sự phải được chuẩn bị từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố; thực hiện phương châm phòng là chính; chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đồng thời, tăng cường, củng cố năng lực phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên…
Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân (Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng). Phòng thủ dân sự bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh, thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Với ý nghĩa quan trọng đó, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thể chế về công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện với việc ban hành một số đạo luật về ứng phó, khắc phục sự cố trong từng lĩnh vực, như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Bảo vệ môi trường…
Tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn cơ bản được hoàn thiện từ cơ quan quản lý nhà nước đến các bộ, ngành, địa phương; lực lượng ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đã từng bước được củng cố theo hướng chuyên môn hóa, xây dựng lực lượng chuyên trách gắn với tập huấn, bồi dưỡng lực lượng kiêm nhiệm; năng lực ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đã được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng được một phần quan trọng về công tác phòng thủ dân sự.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được với yêu cầu công tác phòng thủ dân sự. Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực thực hiện. Công tác dự báo, cảnh báo mặc dù có nhiều bước tiến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, có lúc thiếu chính xác, không kịp thời, nhất là các loại hình thảm họa như lũ quét, sạt lở đất… nên gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo phòng chống và chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó.
Hệ thống kết nối dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động thông tin phòng thủ dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết cấu hạ tầng một số công trình chưa gắn kết chặt chẽ với công trình, thiết bị phòng thủ dân sự. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ dân sự hoặc khi xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính lưỡng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng khi xảy ra các thảm họa, chiến tranh. Tổ chức quản lý nhà nước và phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự tinh, gọn, hiệu quả; tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, cương quyết; hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa cao…
Những hạn chế, bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về phòng thủ dân sự.
Việc xây dựng Luật nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống thảm họa do thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; bảo vệ cho người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường…; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.
Đồng thời, nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố, thảm họa gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Về nội dung, Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/2/2022 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 năm 2022, bao gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.
Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đổi mới tổ chức của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; quy định về tình trạng khẩn cấp trong phòng thủ dân sự.
Về bố cục, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 8 chương, 88 điều. Trong đó, nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự đó là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.
Phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ trực tiếp là lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.
Phòng thủ dân sự phải được chuẩn bị từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố; thực hiện phương châm phòng là chính; chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Tăng cường, củng cố năng lực phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống và tiến bộ khoa học công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình.
Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố phải dựa trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; việc áp dụng các biện pháp và huy động nguồn lực trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sự cố phải hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí.
Theo dự thảo Luật, Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh do thiên nhiên hoặc con người gây ra, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế quốc dân, môi trường, bảo vệ các giá trị vật chất và văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.