Cụ thể hóa các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Tại phiên thảo luận tổ chiều 3.6, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, các đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.

Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; đồng thời nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại Tổ 9 (Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại Tổ 9 (Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Ảnh: Hồ Long

Vấn đề phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Đa số ý kiến tán thành với việc dự thảo luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về 3 phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm: cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nêu rõ, đối với cấp giấy phép trực tiếp, phương thức này rút gọn hơn nhiều so với Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành. Theo đó, Khoản 2 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành quy định rõ như thế nào được cấp giấy phép trực tiếp, cụ thể: Được áp dụng đối với tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ công ích của Nhà nước hoặc không có giá trị thương mại cao hoặc nhu cầu sử dụng không vượt quá khả năng phân bổ tần số vô tuyến điện được xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện, theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước. "Như vậy, chỉ cần tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu này sẽ được cấp. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này sửa đổi toàn diện Điều 18 nhưng không nêu phương thức cấp giấy phép trực tiếp như thế nào?", đại biểu chỉ rõ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cho rằng đây là luật khó, mang tính kỹ thuật cao, đại biểu đề nghị ban soạn thảo phải ghi rõ một số cụm từ để các đối tượng chịu sự tác động "đọc là hiểu ngay". Dự thảo Luật phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn, xác định có giá trị thương mại cao là như thế nào, trường hợp nào đấu giá, trường hợp nào thi tuyển?

Qua khảo sát thực tế, đại biểu cho biết, đa phần các doanh nghiệp đều đề xuất hình thức thi tuyển, thay vì đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật lại chủ yếu là đấu giá. Trong khi đó, Luật Tần số vô tuyến điện đã thi hành được hơn 13 năm, đến nay chưa có trường hợp nào thực hiện được đấu giá. "Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, thận trọng vì qua tổng kết chưa trường hợp nào thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, nếu quy định đấu giá như dự thảo Luật thì có phù hợp với thực tiễn hay không?", đại biểu nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh, dù lựa chọn phương thức nào cũng phải hướng tới mục tiêu giảm lãng phí tài nguyên vì đây là tài nguyên quốc gia; giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 18 (Sơn La, Lai Châu, Đăk Nông, Cà Mau). Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 18 (Sơn La, Lai Châu, Đăk Nông, Cà Mau). Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Thành Long (Kiên Giang) cho rằng, Khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 18 về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện của luật hiện hành, cần phân định rạch ròi, dễ hiểu; làm rõ khi nào đấu giá, khi nào thi tuyển? Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về các tiêu chí, điều kiện của băng tần hoặc tần số được đấu giá hoặc thi tuyển.

Bên cạnh đó, Khoản 7, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật hiện hành về cấp giấy phép sử dụng băng tần, đại biểu Lê Thành Long đề nghị có rà soát lại để khớp với các hành vi vi phạm được quy định trong Điều 21 và Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Có một số hành vi và chế tài không khớp, sau này sẽ không tổ chức thực hiện được”, đại biểu chỉ rõ.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/cu-the-hoa-cac-tieu-chi-dieu-kien-cap-giay-phep-su-dung-tan-so-vo-tuyen-dien-i291153/