Cụ thể hóa các yêu cầu với đăng kiểm viên
Theo dự thảo Thông tư quy định về cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường bộ, đăng kiểm viên sẽ chia làm 2 loại, mỗi loại có 2 hạng. Đồng thời quy định 8 trường hợp đăng kiểm viên không được làm...
Hai loại đăng kiểm viên
Theo dự thảo Thông tư, đăng kiểm viên phương tiện giao thông đường bộ sẽ chia làm 2 loại: Đăng kiểm viên chứng nhận và Đăng kiểm viên kiểm định. Mỗi loại có 2 hạng là đăng kiểm viên thường và đăng kiểm viên bậc cao.
Đây là đề xuất mới so với quy định hiện hành. Hiện mới chỉ có quy định về đăng kiểm viên kiểm định, chưa có quy định về đăng kiểm viên chứng nhận làm nhiệm vụ chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới.
Các văn bản hiện hành chỉ quy định nhiệm vụ chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu giao cho công chức đăng kiểm thực hiện.
Tuy nhiên, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định: Việc chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp do đăng kiểm viên thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận. Đăng kiểm viên là người được cấp chứng chỉ chuyên môn về chứng nhận, kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Do đó, cần thiết bổ sung vào Thông tư quy định về đăng kiểm viên chứng nhận để phù hợp với quy định tại Luật này.
Chiếu theo nhiệm vụ, khi Thông tư được ban hành, các đăng kiểm viên chứng nhận chủ yếu làm việc tại Phòng Chất lượng Xe cơ giới và các Trung tâm như: Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới, Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Trong khi đó, đăng kiểm viên kiểm định sẽ làm nhiệm vụ đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành tại các cơ sở đăng kiểm trên toàn quốc.
Tám hành vi không được làm
Theo dự thảo Thông tư quy định 8 trường hợp đăng kiểm viên không được làm, gồm: (1) Làm sai lệch kết quả chứng nhận, kiểm định;
(2) Không tuân thủ nội quy, quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác chứng nhận, kiểm định;
(3) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của đăng kiểm viên để thực hiện hành vi trái nguyên tắc của hoạt động chứng nhận, kiểm định nhằm vụ lợi;
(4) Thực hiện chứng nhận, kiểm định trái quy định pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
(5) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ tổ chức, cá nhân;
(6) Xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp trái quy định vào hoạt động của đồng nghiệp;
(7) Làm giả các hồ sơ để được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên;
(8) Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật;
Thành viên của ban soạn thảo cho biết, các hành vi trên khi thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ.
Do đó cần nghiêm cấm để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông toàn quốc.
Mặt khác, các đề xuất này được đưa ra nhằm phù hợp với quy định về hành vi bị nghiêm cấm và quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong 8 hành vi đăng kiểm viên không được làm nêu trên, đăng kiểm viên vi phạm hai hành vi đầu tiên Bộ GTVT đề xuất sẽ bị tạm đình chỉ hiệu lực chứng chỉ đăng kiểm viên từ 1-3 tháng.
Đối với 6 hành vi còn lại nếu vi phạm sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-the-hoa-cac-yeu-cau-voi-dang-kiem-vien.html