Cụ thể hóa trách nhiệm

Những vụ cháy liên tiếp xảy ra gần đây là hồi chuông cảnh báo sự lỏng lẻo trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Từ vụ cháy xưởng gỗ ở làng nghề Liên Hà mới đây đến vụ cháy quán karaoke ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), tất cả đều chỉ ra một điểm chung: Một số hệ thống quản lý an toàn bị phớt lờ, chưa rõ người chịu trách nhiệm. Câu hỏi không còn là 'tại sao cháy nổ xảy ra', mà là 'ai phải chịu trách nhiệm?'

Làng nghề Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội), nơi có hàng trăm xưởng gỗ hoạt động, đã trở thành tâm điểm chú ý khi xảy ra vụ cháy ngày 29/12/2024, với khoảng 400m2 bị thiêu rụi, 10 xưởng gỗ bị ảnh hưởng. Nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Không được may mắn như trên, vụ cháy quán karaoke ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khiến 11 người tử vong; cháy khu nhà ở tại phố Trung Kính (Hà Nội), có 14 người tử vong; vụ cháy ở chung cư mini phố Khương Hạ (Hà Nội) khiến 56 người tử vong... Đó không phải là những tai nạn đơn thuần, mà là kết quả của sự thờ ơ, buông lỏng quản lý, và xem thường sinh mạng con người.

Thảm họa xảy ra, nhưng trách nhiệm thường bị "chìm nghỉm" trong những báo cáo dài dòng. Ai đã cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động khi không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)? Ai đã bỏ qua những lần kiểm tra định kỳ, hoặc nhắm mắt trước những sai phạm? Những câu hỏi này không thể tiếp tục bị lờ đi, mà cần được trả lời bằng hành động, bằng sự truy cứu trách nhiệm đến cùng.

Đã đến lúc không còn chấp nhận những lời biện hộ như “chúng tôi không biết” hay “chúng tôi không đủ nguồn lực”. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải hiểu rằng, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn PCCC, họ sẽ bị đóng cửa. Các cơ quan quản lý nếu không giám sát chặt chẽ cũng cần bị truy cứu trách nhiệm. Không thể dung thứ cho sự thờ ơ trước những nguy cơ trực tiếp đe dọa đến mạng sống của người dân.

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Công văn số 4383 để cụ thể hóa trách nhiệm trong công tác PCCC. Đây là một bước đi đúng đắn, nhưng liệu có đủ mạnh? Lãnh đạo từ cấp xã đến các sở, ngành phải hiểu rằng, để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng không chỉ là thất bại trong quản lý, mà còn là một tội ác đối với cộng đồng. Những người giữ vai trò giám sát không thể vô can khi tính mạng của người dân bị đe dọa bởi sự thờ ơ của chính họ.

Cụ thể hóa trách nhiệm không chỉ là phân công nhiệm vụ trên giấy tờ. Đó phải là giám sát chặt chẽ, kiểm tra nghiêm ngặt và xử lý quyết liệt. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất nếu không đáp ứng các yêu cầu an toàn phải bị đình chỉ ngay lập tức. Những cá nhân, tổ chức tắc trách, dù ở bất kỳ cấp độ nào, cần bị xử lý nghiêm minh, kể cả bằng pháp luật.

Hơn thế nữa, chúng ta cần một cuộc cách mạng trong nhận thức. PCCC không phải là "trách nhiệm ai đó", mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Từ chủ cơ sở kinh doanh, lãnh đạo địa phương đến từng cá nhân trong cộng đồng, đều phải hiểu rằng: An toàn không phải lựa chọn, mà là điều kiện sống còn. Mỗi thiết bị chữa cháy bị bỏ quên, mỗi lối thoát hiểm bị chặn kín, mỗi lần kiểm tra qua loa, đều là một bước gần hơn đến thảm họa.

Những vụ cháy đã xảy ra không thể thay đổi được, nhưng đó là bài học để ngăn chặn những mất mát trong tương lai. Cần phải mạnh tay hơn nữa, tuyên truyền thiết thực hơn, hướng đến hành động thay vì chỉ là khẩu hiệu. Kiểm tra phải gắt gao, không có chỗ cho ngoại lệ. Các cuộc diễn tập chữa cháy phải trở thành thói quen, không phải chỉ để "làm đẹp báo cáo".

Chúng ta đang đứng trước một bài toán sinh tử: hoặc cụ thể hóa trách nhiệm để ngăn chặn thảm họa, hoặc tiếp tục thờ ơ và chấp nhận những mất mát không thể cứu vãn. Không thể chờ đến khi ngọn lửa bùng lên mới cuống cuồng hành động. Phải hành động ngay từ những khâu nhỏ nhất, với quyết tâm cao nhất. Vì nếu chúng ta không làm, ai sẽ làm? Nếu không làm ngay, khi nào sẽ làm?

Thế Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cu-the-hoa-trach-nhiem-10297640.html