Cụ thể hóa trình tự, thủ tục công nhận phán quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA

i biểu Quốc hội đề nghị đặt ra cơ chế mới về trình tự, thủ tục công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định EVIPA.

Đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) phát biểu

Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội tiến hành thảo luận Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA, đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) nêu vấn đề, theo khoản 4, điều 2 dự thảo Nghị quyết, quyết định của Tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo ông Tuấn, không bị kháng cáo có thể được nhưng cần cân nhắc việc không bị kháng nghị liệu có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam không?

Đại biểu Lê Anh Tuấn lý giải, theo quy định của pháp luật, không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát trong trường hợp Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Cho rằng, cần xác định rõ nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc công nhận phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài.

Theo ông Nghĩa, nếu xử sự không khéo những tranh chấp này sẽ có tác động mạnh mẽ tới hiệp định bảo hộ đầu tư.

Do đó, đại biểu đề nghị, TAND tối cao cần phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York. Qua đó, rút ra những điểm cần thiết đối với dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, TAND tối cao nên thành lập bộ phận chuyên trách, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án, nhằm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cu-the-hoa-trinh-tu-thu-tuc-cong-nhan-phan-quyet-tranh-chap-dau-tu-theo-evipa-post81889.html