Cử tri bức xúc về tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, giải ngân đầu tư công

Kinhtedothi- Sáng 10/10, tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực khi GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cử tri bày tỏ sự lo lắng, dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển, vẫn có những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao.

Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm do thời gian giao vốn chậm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao... “Các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công” – báo cáo nêu rõ.

Về các vấn đề xã hội, báo cáo kiến nghị cử tri đề cập đến tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các đơn vị, địa phương xin nghỉ việc.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và tội phạm về tham nhũng và chức vụ.

Nghiên cứu, chắt lọc lựa chọn các kiến nghị mang tính thời sự

Góp ý vào báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị cân nhắc về đánh giá nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc cũng như an ninh trật tự. “Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy trong 2,5 năm qua có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư, là vấn đề được cử tri quan tâm, song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống như báo cáo nêu.” – Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói và đề nghị cần có đánh giá khái quát và sát hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, cử tri cũng quan tâm đến những vấn đề nổi bật thì báo cáo cần nhấn mạnh để làm rõ, như hành vi lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng, cháy tại cơ sở karaoke..... Do đó, tránh đánh giá chung chung dẫn đến không sát tình hình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phản ảnh người dân phàn nàn về việc thu hồi sổ hộ khẩu theo quy định khi người dân tiến hành thay đổi thông tin và cuối năm nay sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị sử dụng nhưng việc cấp các xác nhận còn chưa thực sự thuận lợi cho người dân. Đề nghị cơ quan chức năng hết sức quan tâm, có hướng dẫn; khẩn trương rà soát các quy định phù hợp, hướng dẫn sử dụng căn cước công dân gắn chíp để tạo thuận lợi nhất cho người dân, và cũng là bước chuẩn bị tích cực khi hết năm nay sổ hổ khẩu hết giá trị sử dụng thì không phát sinh vướng mắc, bất cập lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cử tri và nhân dân quan tâm đến cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kỳ vọng sau khi Quốc hội có nghị quyết sẽ xử lý được các dự án treo, quy hoạch treo. Bởi có tình trạng trong rất nhiều năm nhiều hộ dân ở trong diện quy hoạch không được làm gì, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân....

Liên quan xăng dầu, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung thêm vào báo cáo về việc hiện nay nhân dân phản ánh điều hành chính sách, kể cả điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, chiết khấu “cũng có gì đó chưa phù hợp”, dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu nói đã kinh doanh là lỗ nên người ta đóng cửa, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mỗi kỳ họp, Nhân dân, cử tri rất mong đợi báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng báo cáo cần chắt lọc từng dòng, từng chữ, từng câu để nêu được các vấn cử tri quan tâm liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, báo cáo cần nêu thực trạng nổi bật hiện nay về những tồn tại, khó khăn của đất nước và cử tri, Nhân dân phản ánh, đặc biệt nêu bật các kiến nghị trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới cần được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương quan tâm, xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, việc xây dựng báo cáo cần nêu bật vấn đề dư luận xã hội, cử tri, Nhân dân quan tâm, nhưng phải điển hình, chính xác, “nói có sách mách có chứng”, có số liệu chứng minh. Báo cáo thể hiện rõ hơn về bức xúc của cử tri, Nhân dân về tình trạng công trình chậm tiến độ, đất hoang hóa, gây lãng phí lớn cho Nhà nước, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống Nhân dân, các vấn đề xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri, Nhân dân lo ngại, bức xúc về tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh của ngành y tế, giải ngân vốn đầu tư công. Việc đưa vào báo cáo tránh trùng lắp, một số vấn đề đưa vào báo cáo đã thực sự là điển hình đó là tình trạng ngân hàng thương mại ép mua gói bảo hiểm khi làm thủ tục vay, các vấn đề nhận định về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới…

Đối với các kiến nghị trong báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cần nghiên cứu, chắt lọc lựa chọn các kiến nghị mang tính thời sự, đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân thông qua kênh của Đoàn Chủ tịch, ý kiến của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố gửi về.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cu-tri-buc-xuc-ve-tinh-trang-thieu-thuoc-chua-benh-giai-ngan-dau-tu-cong.html