CỬ TRI ĐÁNH GIÁ CAO KẾT QUẢ KT-XH 9 THÁNG NĂM 2022 NHƯNG LO LẮNG VỀ TÌNH TRẠNG GIÁ XĂNG DẦU VÀ CHI PHÍ DỊCH VỤ TĂNG
Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri nêu rõ, nhờ sự vào cuộc quyết liệu của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH trong 9 tháng năm 2022 đã phục hồi tích cực. Tuy nhiên, cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.
CHÍNH PHỦ ĐÃ ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT, HIỆU QUẢ MỤC TIÊU VỪA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19, VỪA PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
TỔNG THUẬT SÁNG 20/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Quan tâm đến Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chị Dương Thị Mến, cử tri Quận Ba Đình, Hà Nội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là: công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng; kinh tế tiếp tục được phục hồi và phát triển; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường; những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Cử tri Dương Thị Mến cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Do đó, cử tri băn khoăn tình trạng giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
“Dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng”, cử tri Dương Thị Mến bày tỏ sự lo lắng. Trước thực trạng này, cử tri Dương Thị Mến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp trong việc ổn định thị trường xăng dầu, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm…, tránh làm gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Xuân Diệu, cử tri quận Đống Đa, Hà Nội cũng lo lắng công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu như tình trạng thiếu xăng dầu, giá xăng dầu lên xuống thất thường, người dân phải xếp hàng vào đổ xăng dầu, hay do mức chiết khấu thấp, người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất ở một số địa phương. Do đó, cử tri Nguyễn Xuân Diệu kiến nghị các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp xăng dầu ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Cùng với đó, Bộ Công thương cần phải bảo đảm ổn định thị trường, giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng như hiện nay.
Sau khi nghe và nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh Tế - xã hội năm 2023, cử tri Nguyễn Thị Tùng, Bí thư Chi bộ 13 Đảng bộ phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ phấn khởi trước tình hình và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta.
Bà Nguyễn Thị Tùng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, tình hình thế giới có sự bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của nước ta, tuy vậy Chính Phủ đã chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, vừa phòng chống dịch Covid - 19, vừa phát triển kinh tế. Qua số liệu cụ thể minh bạch, công khai trong Báo cáo, cử tri Nguyễn Thị Tùng nhận thấy, kinh tế vĩ mô ổn định, Chính phủ kiểm soát được lạm phát. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển toàn diện hơn. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Quan tâm đến một số tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo của Chính phủ là “phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế…”, bà Nguyễn Thị Tùng nhận thấy, hiện tại không ít cử tri băn khoăn về sự bất ổn trong cuộc sống mà nổi lên là văn hóa ứng xử, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, nhất là văn hóa ứng xử trên không gian mạng. “Hiện nay, bên cạnh những lợi ích mang lại và là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến, mạng xã hội cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc”, cử tri Nguyễn Thị Tùng phân tích thêm.
Do đó, cử tri Nguyễn Thị Tùng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan đưa ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, ông Nguyễn Danh Ngọc, cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận thấy, Báo cáo đã thể hiện khách quan, đầy đủ, bao trùm nhiều nội dung kinh tế - xã hội của nước ta thời gian qua, đồng thời đưa ra được 6 bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho những tháng cuối năm nay và trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Ngọc bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng đối với nhiều vấn đề, trong đó có tình hình dịch COVID-19 và gần đây xuất hiện một số bệnh mới, nguy hiểm như đậu mùa khỉ, cúm A, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp do virus Adeno, có thể dẫn tới tình trạng "dịch chồng dịch"... Bên cạnh đó, cử tri Nguyễn Danh Ngọc lo ngại về các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi mắc COVID-19, các hệ lụy xã hội khác cần được theo dõi. Cử tri Nguyễn Danh Ngọc đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sức khỏe của nhân dân.
Theo dõi Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022, cử tri Nguyễn Văn Khính, quận Ba Đình, Hà Nội nhấn mạnh, Chính phủ đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội để chỉ đạo điều hành, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập sâu rộng hiệu quả. Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế cả năm đạt ước tính 8% (mục tiêu 6-6,5%).
Cử tri cho rằng, để đạt được kết quả trên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp ngành, các địa phương triển khai quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đối với tất cả các lĩnh vực; vượt qua khó khăn trong tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp chưa có tiền lệ. Cử tri Nguyễn Văn Khính tin tưởng Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, khó khăn thách thức, thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp đã nêu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khính băn khoăn về việc phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Cử tri Nguyễn Văn Khính cho rằng, một trong những mấu chốt là cần thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đào tạo, trước mắt triển khai tốt chương trình SGK phổ thông. Đồng thời tăng cường tập huấn có chất lượng cao cho những cốt cán, khắc phục những điểm yếu về kiến thức đào tạo trong thời gian dài phải học trực tuyến. Nhiều vấn đề về đào tạo nhân lực chất lượng cao cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp ngành của địa phương thì chúng ta mới cải thiện và nâng câp chất lượng nguồn nhân lực./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=69690