Cử tri đánh giá hoạt động Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả

Sáng 21/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo tại Kỳ họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 7 của đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ (chiếm 86,7%), còn lại là 132 cuộc tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đã tiếp nhận 2.251 kiến nghị.

 Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại Kỳ họp

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo tại Kỳ họp

Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn các vấn đề “nóng” để chất vấn

Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng nội dung, đã tổng hợp được 2.224 kiến nghị của cử tri, trong đó, có 51 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,29%); 2.127 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 95,64%); 36 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,62%); 10 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,45%).

Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri theo quy định, đến nay đã có 2.211 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,42% tổng số kiến nghị đã chuyển.

Đối với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn chung, cử tri đều cho rằng hoạt động của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ đóng góp nhiều ý kiến, thể hiện vai trò trách nhiệm là người đại biểu của Nhân dân. Việc Quốc hội thảo luận và thông qua một số luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân như Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia,... được cử tri kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục trong thời gian qua; hạn chế những tác động tiêu cực của rượu, bia đến sức khỏe con người và những hệ lụy cho xã hội,... Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn các vấn đề “nóng” được Nhân dân quan tâm để tiến hành chất vấn. Cử tri cho rằng các nghị quyết của Quốc hội đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cử tri rất phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cử tri rất phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đời sống của Nhân dân về cơ bản ổn định và tiếp tục từng bước được nâng cao. Cử tri cho rằng để có những kết quả này là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, nhất là đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân,... Cũng như các kỳ họp trước đây, một số lĩnh vực vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri như: Tài nguyên và môi trường, Giáo dục và đào tạo, Lao động, thương binh và xã hội, Giao thông vận tải,... Đến nay, đã có 2.115/2.127 kiến nghị gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã được xem xét, giải quyết, trả lời (chiếm 99,44%).

Đối với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), TANDTC, VKSNDTC đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu giải quyết, trả lời đối với 36/36 KNCT các địa phương (đạt 100%), nội dung các kiến nghị liên quan đến việc đề nghị sớm đưa ra xét xử công khai những vụ án vận chuyển, mua bán chất ma túy; về tăng số lượng biên chế cán bộ, công chức của hệ thống TAND; về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện khoản 2 Điều 14 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; về tăng cường công tác xem xét, giải quyết kịp thời đơn kêu oan của phạm nhân; về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành kiểm sát; về tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự,...

Đánh giá kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy trong hơn 03 tháng qua (kể từ khi kỳ họp thứ 7 kết thúc) các bộ, ngành đã rất tích cực tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời một khối lượng rất lớn 2.224 kiến nghị của cử tri trên toàn quốc gửi tới kỳ họp, trong đó đã trả lời nhanh chóng, đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị của cử tri, nổi bật là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (147/147KN), Bộ Công thương,… cơ quan đã giải quyết xong toàn bộ kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao về nội dung trả lời của các bộ, ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; Bộ Nội vụ ; Bộ Công an ; Bộ Tài chính,...

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, trên cơ sở kết quả giám sát, đề nghị các ĐBQH tăng cường khai thác các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành tại mục ý kiến cử tri trên ứng dụng phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu tới đại biểu Quốc hội thông qua các thiết bị di động, để có thể giải đáp ngay cho cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri các kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời từ các kỳ họp trước, hạn chế việc tiếp tục tổng hợp những kiến nghị này tới các cơ quan yêu cầu trả lời khiến cử tri phải chờ đợi lâu, đồng thời gây quá tải lên các cơ quan này; tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng để tiếp thu được những kiến nghị mang tính chuyên môn, chuyên sâu phục vụ công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo tính khả thi của pháp luật trong thực tiễn.

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo và gửi kết quả giải quyết tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 4/2020 để kịp báo cáo cử tri tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020); Đối với các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của hai Bộ, ngành trở lên, chỉ đạo các bộ phối hợp thực hiện đúng Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến./.

Khang Nhi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cu-tri-danh-gia-hoat-dong-quoc-hoi-co-nhieu-cai-tien-doi-moi-thiet-thuc-hieu-qua-355510.html