Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Tiếp tục nội dung phiên họp thứ 16, sáng 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Tại phiên họp, báo cáo tổng hợp về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-10. Ảnh: VPQH

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-10. Ảnh: VPQH

Cử tri đánh giá cao các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo nhất quán, thực hiện quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Đặc biệt, cử tri đánh giá việc ngay trước kỳ họp Quốc hội lần này, Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ sáu để thảo luận, ra nghị quyết về những nội dung lớn, rất cơ bản và quan trọng, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đến các vấn đề quốc kế, dân sinh lâu dài, có tính chiến lược vĩ mô, như: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác…

Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPQH

Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng khi học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng; giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao…

Từ đó, cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.

Đáng chú ý, cử tri và nhân dân bày tỏ lo ngại trước tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa bảo đảm đời sống.

Bên cạnh đó, chính sách tiền lương và thu nhập theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII chậm được ban hành, dù kinh tế - xã hội đã được phục hồi. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chậm, thủ tục rườm rà, đối tượng thụ hưởng chính sách còn khoanh vùng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm.

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất với Chính phủ mở rộng đối tượng người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa...

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/cu-tri-de-nghi-chinh-phu-som-thuc-hien-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-707711