Cử tri đề nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương
Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng như việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội: Không dùng nguồn cải cách tiền lương để xây cao tốc Tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương trong năm 2023 Cải cách tiền lương từ tiết kiệm chi thường xuyên và một phần thu sự nghiệp
Giá tăng nhưng tiền lương chưa tăng
Sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về các báo cáo: tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, đồng thời cho ý kiến về 3 báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.
Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.
Tại phiên họp, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau Kỳ họp thứ 3 đến nay.
Hầu hết kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành tiếp thu, xem xét để trả lời hoặc chỉ đạo giải quyết có hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá rất cao thành công tốt đẹp, kết quả và ý nghĩa của Diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do Quốc hội chủ trì tổ chức, đã gợi mở nhiều định hướng chiến lược để tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cử tri và nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, UBTVQH và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa lo kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.
Song, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát cao, giải ngân đầu tư công vẫn chậm, thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi còn trì trệ; thu hút vốn FDI chưa được như kỳ vọng. Cử tri bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.
Tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống. Chính sách tiền lương và thu nhập theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII chậm được ban hành, dù kinh tế - xã hội đã được phục hồi. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chậm, thủ tục rườm rà, đối tượng thụ hưởng chính sách còn khoanh vùng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm. Một số chính sách chưa được triển khai thực hiện.
Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua. Đề nghị Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội đề xuất với Chính phủ mở rộng đối tượng người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo ngại lớn khi kết quả giám sát của UBTVQH đối với báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp, trong đó tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% so với cùng kỳ năm 2021.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33%
Theo Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33%, với 396 vụ so với cùng kỳ năm trước.