Cử tri kiến nghị cần quyết liệt hơn trong vấn đề xăng dầu
Cử tri cho rằng tình hình biến động xăng dầu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Sáng 17-11, Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM, đơn vị số 2 gồm các ĐB: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; tiếp xúc cử tri quận 3 sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thành Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 3; Võ Văn Đức, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 3; Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3.
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, ĐB Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thông tin về kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tại kỳ họp đến cử tri quận 3.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 3 đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội, giáo dục - đào tạo, giám sát phòng chống tham nhũng, tình hình biến động thị trường xăng dầu, tình trạng công nhân mất việc làm, mua bán thông tin cá nhân của người dân, thả rông vật nuôi ra đường…
Cử tri phường Võ Thị Sáu đặt vấn đề sau gần 2 năm xây dựng chính quyền đô thị tại TP Thủ Đức, chất lượng phục vụ người dân chưa được hiệu quả, việc giải quyết thủ tục hành chính chậm hơn, người dân phải đi xa hơn…
Cử tri Trần Quốc Hùng, phường 5, phản ánh tình trạng quản lý giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, vấn đề sách giáo khoa cũng luôn làm khổ phụ huynh học sinh trong những năm qua. Cử tri kiến nghị cần có sự thống nhất trong việc quản lý giáo dục và quản lý việc nghiên cứu, phát hành sách giáo khoa một cách khoa học.
Cử tri Tạ Văn Thanh, phường 11, phản ánh thời gian qua tình hình biến động xăng dầu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Cử tri kiến nghị Tổ đại biểu Quốc hội có ý kiến đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, ĐB Đỗ Đức Hiển đã giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của cử tri. Liên quan đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương có giải pháp điều chỉnh giá xăng dầu hợp lý để sát với tình hình thị trường. Thời gian tới, Quốc hội cũng sẽ xem xét về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để kéo giảm giá xăng dầu.
Đối với việc lộ thông tin cá nhân của người dân, ĐB Đỗ Đức Hiển nhìn nhận thời gian qua có tình trạng dễ dãi trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, mỗi người phải tự bảo vệ mình, khi cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức thì phải có lý do chính đáng. Khi có những quy định chặt chẽ về việc các tổ chức sử dụng thông tin của người dân cũng như tăng cường các biện pháp xử phạt sẽ góp phần bảo vệ thông tin cá nhân của người dân tốt hơn.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ĐB Trần Kim Yến cho biết, trong hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 131, TPHCM đã có nhiều hội thảo chuyên đề để phân tích, đánh giá và rút kinh nghiệm một số vấn đề chưa sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội trong việc ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 131, TPHCM cũng làm đề án để cùng với Chính phủ, Quốc hội để khi ban hành luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; mà trong đó, luật này có một chương riêng về chính quyền đô thị nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vấn đề đặt ra là tiếp tục nghiên cứu để ban hành luật Chính quyền đô thị.
Đối với vấn đề thực hiện các quy định pháp luật, ĐB Trần Kim Yến cho rằng, hiện nay vẫn còn hiện tượng người dân chưa chấp hành nghiêm pháp luật, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh như thả rông vật nuôi, xả rác bừa bãi... Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bên cạnh việc cần có các chế tài mạnh hơn thì các cơ quan, ban ngành đang thực hiện nhiều phong trào, vận động và bước đầu đã đạt được hiệu quả.