Cử tri lo lắng về tình trạng bắt cóc tống tiền, trục lợi từ thiện
Cử tri lo lắng về tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây hoang mang trong xã hội; một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi…
Lo lắng tình trạng bắt cóc tống tiền
Sáng 11.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp lần thứ 27.
Tại cuộc họp, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu quốc hội (ĐBQH), đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 89,5 %.
Cử tri đánh giá cao trong thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới; chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân; hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả…
Dù vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhưng cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội trong thời gian gần đây; tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi; tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng...
Một số bộ ngành chưa quan tâm giải quyết kiến nghị cử tri
Tuy vậy, báo cáo tại phiên họp cũng nêu rõ, một số bộ, ngành chưa quan tâm đầy đủ đến việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, chưa trả lời, trả lời chưa đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị cử tri.
Ví dụ như: Bộ TN-MT có tổng số 180 kiến nghị, đã trả lời 117 kiến nghị (trong đó trả lời chậm thời hạn 117 kiến nghị); chưa trả lời 63 kiến nghị mặc dù đã quá thời hạn (29.9.2023).
Bộ Công Thương có tổng số 109 kiến nghị, đã trả lời 109 kiến nghị, trong đó trả lời chậm thời hạn 71 kiến nghị; Bộ LĐ-TB-XH có tổng số 263 kiến nghị, đã trả lời 263 kiến nghị, trong đó đã trả lời chậm thời hạn 117 kiến nghị.
Bộ GD-ĐT có 184 kiến nghị, đã trả lời 136 kiến nghị, trong đó trả lời chậm thời hạn 64 kiến nghị; chưa trả lời 48 kiến nghị mặc dù đã quá thời hạn (29.9.2023); Bộ Y tế có tổng số 224 kiến nghị, đã trả lời 224 kiến nghị, trong đó trả lời chậm thời hạn 79 kiến nghị.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định về hỗ trợ.
Chẳng hạn, từ kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa 15 đến nay, cử tri nhiều địa phương: Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh... đã liên tục đề nghị Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân các xã ATK cách mạng.
Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24.3.2020 về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân trong các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định hiện hành). Chính sách được áp dụng từ năm 2021.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, kiến nghị này của cử tri vẫn đang trong quá trình tiếp thu giải quyết. Trên thực tế, tùy điều kiện mà một số địa phương đã bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT, trong đó có người dân sinh sống trên địa bàn các xã ATK, với mức từ 10 - 30%, có địa phương không thực hiện hỗ trợ. Đến năm 2023, vẫn còn 719.706/3.822.318 (chiếm 18,8%) người dân trên địa bàn xã ATK cách mạng thuộc 25 địa phương chưa tham gia BHYT.
Như vậy, trong 3 năm (2021, 2022, 2023), một bộ phận người dân ở các xã ATK cách mạng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ chung trên toàn quốc về BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị ảnh hưởng.
Tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 9.2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 8.2023.
Tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 374 lượt với 756 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 370 vụ việc và có 19 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 8.2023, tăng 32 lượt công dân và 31 vụ việc.
Tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại thành phố Hà Nội thường xuyên có từ 40 – 50 công dân của 20 địa phương khiếu kiện kéo dài, phức tạp.
Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội tăng tăng 23,8% so với năm 2022, các cơ quan nhận được tổng số 33.334 đơn thư của công dân chuyển đến.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội có một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của đoàn ĐBQH; chất lượng phân loại, xử lý đơn còn những hạn chế, tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết…
Đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, việc thực hiện một số kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương…
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết số lượng khiếu kiện, đơn thư có chiều hướng tăng. Do đó, cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và hiệu quả xử lý đơn thư, khiếu kiện của cơ sở; phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như: các cơ quan chưa chủ động tiếp công dân, chất lượng phân loại, xử lý đơn thư chưa cao, chưa hạn chế được tình trạng gửi lòng vòng, lưu đơn.